Anh chàng la lối om sòm: "Chúng tôi đã thông báo với mọi người rằng
anh sẽ nói về tương lai của ngành thương thuyền! Còn tôi thì bỏ công sức
nghiên cứu kỹ lưỡng để giới thiệu cho anh. Vậy mà anh chẳng hề đá động
gì tới nó!"
Tôi nói thêm: "Không một từ nào". Rồi quay xe ra về.
Một cảm giác tội lỗi thoáng qua trong đầu tôi. Một chàng trai trong độ
tuổi hai mươi đôi khi hành động mà không ý thức được hết trách nhiệm.
Nhưng rồi tôi tự biện hộ cho mình rằng ít ra cũng đã nói chuyện khôi hài
giúp vui cho họ (có điều chả thấy ai cười). Vài ngày sau, tôi nhận được tin
là nhiều người trong câu lạc bộ thích bài nói của tôi. Sở dĩ không có những
tràng vỗ tay đơn giản là vì họ quá bất ngờ, họ không biết bao giờ tôi mới
"vô đề" nói về tương lai của thương thuyền nước Mỹ! Từ đó trở đi, không
bao giờ tôi quên đề tài mà tôi sẽ nói.
Nhưng ngược lại, có những người không bận tâm đến việc tôi sẽ nói cái
gì. Họ chỉ cần tôi có mặt ở đó là đủ. Đó là một câu chuyện khác...
Đài phát thanh ở Miami, chuông điện thoại reo. "Larry, cậu có điện,
đường dây số hai" - người bạn đồng nghiệp của tôi gọi toáng lên, như
thường lệ.
Tôi bắt máy lên: 'Xin chào". Đó là tiếng đầu tiên và cũng là tiếng cuối
cùng mà tôi nói.
Một giọng nói rè rè ở đầu dây bên kia thốt lên, chậm rãi từng từ một:
"King hả? Boom-Boom Giorno đây. Ngày 3 tháng 11. Khán phòng War
Memorial, Fort Lauderdale. Một bữa tiệc hội thảo từ thiện. Sergio Franchi
là ca sĩ. Anh dẫn chương trình. Cà vạt đen. Tám giờ tối. Hãy tới nhé".
Tiếp đó là một tiếng "cộp". Ông ta đã gác máy.