Tôi liếc mắt qua bức vẽ minh họa. “Thấy cái gì cơ chứ?”
“Nhìn này! Nó giải thích rõ miệng tên lửa hoạt động như thế nào, vì sao
nó lại được thiết kế như vậy. Cậu cũng không thèm đọc về miệng tên lửa
De Laval à?”
Ít nhất thì cái này tôi cũng đã xem qua rồi. Carl Gustav De Laval là một
kỹ sư người Thụy Điển, ông đã chỉ ra rằng khi gắn một ống dẫn phân kỳ
vào phần hội tụ của miệng tên lửa (đại khái là chổng ngược cổ một vật
xuống phần họng nhỏ hẹp của một vật khác) thì chất lưu (hay khí) phụt ra
từ phần họng sẽ chuyển thành động năng phản lực. Nói cách khác, khí đi ra
khỏi ống dẫn sẽ nhanh hơn rất nhiều lần so với lúc đi vào. Khi tôi nói cho
Quentin nhận thức của mình về lĩnh vực này thì cậu ấy gật đầu. “Đúng,
đúng. Cậu hiểu rồi đấy. Quá tốt.”
“Vậy chúng ta nên chế tạo...”
Nét mặt Quentin toát lên vẻ tự mãn. “De Laval đã tính toán rất chính xác
cho việc chế tạo miệng tên lửa. Chúng ta sẽ làm theo, Sonny ạ,” nói rồi cậu
ấy quay lại bàn ăn, với lấy miếng bánh mì kẹp xúc xích, “và độ cao tên lửa
của chúng ta đạt được sẽ không còn tính bằng mét nữa mà sẽ bằng dặm.”
Quentin ngoạm một miếng thật to và nhai ngấu nghiến, vài cọng bắp cải
còn lòng thòng quanh mép.
“Sẽ làm được nếu như chúng ta có thể hiểu được mấy công thức trong
này,” tôi bảo.
Quentin gật gù. “Đúng. Đó mới là vấn đề cần giải quyết đấy.”
MỘT ĐÊM, một cơn địa chấn làm tôi giật mình thức giấc, tim đập thình
thịch trong lồng ngực. Chó sủa inh ỏi khắp thung lũng, hàng loạt những