đến khi hàng trăm thợ mỏ đứng đầy các con đường. Trong bộ quần áo và
mũ bảo hộ lao động, họ làm cho tôi liên tưởng đến các chiến sĩ miệt mài,
dũng cảm nơi tiền tuyến trong những thước phim phóng sự.
Như mọi người khác ở Coalwood, tôi sống theo nhịp điệu của các ca làm
việc. Tôi bị đánh thức vào buổi sáng bởi những bước chân nặng nề và tiếng
va chạm lích kích của những hộp cơm trưa khi toán thợ mỏ ca sáng đi
ngoài đường; tôi ăn khuya sau khi Bố giám sát xong những người làm ca
đêm xuống hầm mỏ; và rồi tôi đi ngủ trong tiếng búa trên đe, tiếng máy hàn
hồ quang điện khô khốc phát ra từ một cửa hàng điện máy nhỏ trong khi ca
làm khuya diễn ra với tiếng hú văng vẳng giữa đêm. Đôi khi, đám trẻ tiểu
học chán chơi đùa trong núi, không còn thích ném bóng cạnh các gara xe
cũ hoặc đóng đô trên khu đất trống sau nhà tôi, chúng tôi sẽ giả làm những
người thợ mỏ và gia nhập vào hàng ngũ công nhân đến nhà than. Đến nơi,
chúng tôi đứng qua một bên, quan sát những người thợ buộc đèn vào đầu
và sắp xếp dụng cụ. Một hồi chuông vang lên báo hiệu giờ vào hầm. Sau
khi họ bị nuốt chửng vào lòng đất, mọi thứ trở nên im ắng một cách lạ
thường. Giây phút đó đem lại cảm giác bất an, nhưng rồi lũ trẻ con chúng
tôi lại hồ hởi quay lại với những trò chơi thường ngày, chúng tôi la hét ầm ĩ
hơn thường lệ nhằm phá tan những phép thuật mà nhà than đã mê hoặc
chúng tôi.
Coalwood được bao bọc bởi núi rừng trùng điệp với vô số hang động,
mỏm đá, giếng khí, tháp báo động hỏa hoạn và những hầm mỏ bỏ hoang
luôn trông chờ lũ nhóc chúng tôi khám phá và tái khám phá khi chúng tôi
đã trưởng thành. Mặc dù các bà mẹ ngăn cấm nhưng chúng tôi vẫn chơi
đùa quanh đường ray xe lửa. Ý kiến thường được đưa ra nhất là đặt một
đồng xu lên đường ray rồi chờ cho toa xe chạy ngang qua cán dẹp nó. Mỗi
đứa trong bọn tôi đều lần lượt làm như vậy cho đến khi xài hết khoản trợ
cấp nghèo nàn của mình. Cố nín cười, bọn tôi dùng những miếng đồng bẹp
dí ấy để mua kẹo ở cửa hàng của công ty. Người bán hàng đã quá quen với