Tủ sách có đủ các truyện hay như Tom Swift, Song sinh nhà Bobbsey,
Những người khốn khổ, và Nancy Drew được đặt ngay phòng trước của
trường và lúc nào cũng sẵn sàng cho học sinh mượn đọc. Tôi đọc ngấu
nghiến, say mê đắm chìm vào những cuộc phiêu lưu trong từng cuốn sách.
Khi lên lớp 4, tôi bắt đầu lên thư viện của cấp 2 ở tầng trên, tìm đọc bộ
truyện Những con ngựa đen. Tại đó, tôi khám phá ra Jules Verne. Tôi mê
mẩn những cuốn sách của ông, chúng không chỉ chứa đầy những cuộc
phiêu lưu mà còn nói về những nhà khoa học, những kỹ sư tài ba với bao
thành tựu, kiến thức vĩ đại bậc nhất mà loài người luôn phải theo đuổi. Sau
khi tiêu hóa hết số tác phẩm của Jules Verne, tôi luôn là đứa xếp hàng đầu
tiên mượn những cuốn sách của các tác giả viết tiểu thuyết khoa học viễn
tưởng hiện đại như Heinlein, Asimov, van Vogt, Clarke và Bradbury. Tôi
thích tất cả, trừ những điều quá sức tưởng tượng. Tôi chẳng màng đọc sách
về những anh hùng có thể đọc được ý nghĩ của người khác, đi xuyên qua
tường hay thi triển phép thuật. Những anh hùng mà tôi thần tượng phải thật
can đảm và hiểu biết về thực tế nhiều hơn những kẻ chống lại họ. Đến khi
“Bộ Sáu Siêu Đẳng” theo dõi kỉ lục tựa sách mà tôi đã mượn và phát hiện
ra rằng có quá nhiều truyện phiêu lưu và khoa học viễn tưởng, họ mới chỉ
định những tác giả khác để cân bằng lại cho tôi, như Steinbeck, Faulkner,
và F.Scott Fitzgerald. Dường như suốt những năm tiểu học tôi đọc hai loại
sách, một dành cho tôi và loại kia... dành cho thầy cô.
Với tất cả kiến thức và sự thoải mái mà những cuốn sách tôi đọc lúc bé
đem lại, chúng xóa nhòa năm tháng xưa của tôi ở Coalwood. Hầu hết
những thằng con trai trưởng thành ở Coalwood mà tôi biết đều gia nhập
quân đội hoặc làm thợ mỏ. Tôi thì chẳng biết tương lai mình sẽ như thế
nào. Chỉ có một điều tôi biết chắc rằng Mẹ chẳng bao giờ muốn tôi trở
thành thợ mỏ cả. Một lần sau khi Bố quăng tấm séc cho Mẹ, tôi nghe Mẹ
bảo Bố: “Tiền anh làm chẳng bõ bèn vào đâu, Homer ạ!”
“Nó vẫn giữ được cái mái nhà này đấy bà!” Bố trả lời.