Mẹ trầm ngâm nhìn tấm séc, cuộn nó rồi nhét vào túi tạp dề và nói: “Nếu
ông ngừng làm việc trong cái hố đó, tôi ra sống dưới gốc cây cũng được!”
Sau khi ông Carter bán đi hầm mỏ, nó được đổi tên thành Công ty Than
Olga. Mẹ luôn gọi nó là “Cô Olga”. Mỗi khi có ai hỏi Bố đang ở đâu thì
Mẹ sẽ trả lời rằng “đang ở với Cô Olga đấy!”. Mẹ nói cứ như đó là tình
nhân của Bố vậy.
Gia đình bên Mẹ không hề chia sẻ cùng bà về sự ác cảm với việc khai
thác mỏ. Tất cả các anh của Mẹ - Robert, Ken, Charlie, và Joe - đều là thợ
mỏ, và em gái Mẹ, dì Mary, cũng làm vợ một thợ mỏ. Bất chấp tai nạn
thảm khốc của nội, hai anh em còn lại của Bố cũng làm thợ mỏ; chú
Clarence thì làm việc trong khu mỏ Caretta cách Coalwood một ngọn núi,
và chú Emmett làm cho những khu mỏ rải rác trong tỉnh. Em gái của Bố, cô
Bennie cũng kết hôn với một thợ mỏ tại Coalwood và sống bên kia bờ
sông, cạnh những cửa hàng kim khí điện máy lớn. Nhưng sự thật về tất cả
thành viên hai gia đình của Bố và Mẹ đều là thợ mỏ không để lại ấn tượng
tốt gì cho Mẹ cả! Bà có quan điểm riêng, có lẽ nó hình thành từ bản tính
độc lập của Mẹ hay chính bởi khả năng luôn nhìn vào bản chất của sự việc
chứ không mong ước viển vông như những người khác, sự viển vông mà
đôi khi ngay cả Mẹ cũng mong ước nó thành hiện thực.
Vào mỗi buổi sáng trước khi Mẹ bắt đầu nghi thức chiến tranh với bụi
bặm, bà thường ngồi nhâm nhi tách cà phê bên bàn bếp, mắt nhìn vào bức
tranh tường đang dang dở. Mẹ bắt đầu vẽ bức tranh này từ khi Bố tiếp quản
lại khu mỏ và chuyển vào ở hẳn trong nhà của Đội Trưởng. Đến mùa thu
năm 1957, Mẹ đã hoàn thành được bãi cát, những vỏ sò và hầu hết phần
bầu trời với một đôi mòng biển chao lượn. Trong đó có dấu hiệu xuất hiện
của một cây cọ đang lớn lên từng ngày. Có vẻ như Mẹ đang muốn vẽ nên
một hiện thực khác cho mình. Từ chỗ Mẹ ngồi, bà có thể nhìn thấy những
bụi hồng và những người cho chim ăn xuyên qua cửa sổ của bức tranh mà
những chú thợ mộc đã lắp theo riêng ý Mẹ; nó được đặt theo một góc độ