của BCMA cả. Bên cạnh quầy của tôi là một anh bạn có cái cằm nhô với
chiếc mũ cao bồi trên đầu, đến từ Lubbock. Cậu ấy có hai thiết kế, một
trong số đó có miệng tên lửa sử dụng thuật hàn chì, cái còn lại diễn tả cách
phóng tên lửa bằng điện từ với nhiều bóng đèn màu nhỏ dọc theo chiều dài
của bệ phóng, từ đó một trái bóng nhỏ được búng ra một khoảng cách khá
xa. Chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn của nhau. Tên cậu ấy là Orville
nhưng thích được gọi là “Tex” hơn.
Tex cho tôi biết vài thông tin chẳng tốt lành tí nào: “Chúng ta chẳng thể
thắng được giải nào ở đây đâu, Sonny ạ. Nhìn xung quanh đi. Giải thưởng
sẽ thuộc về những đề án lớn và có nhiều sự đầu tư về tiền bạc.”
Lạc lõng giữa cái sảnh to lớn đông nghẹt người đi đi lại lại, tôi cảm thấy
thật trơ trọi và bé nhỏ. Tôi cùng Tex đi thị sát các quầy trưng bày khác và
nhận thức rõ những gì cậu ấy vừa nói. Đa số đều đồ sộ, phức tạp và hiển
nhiên là toàn thứ đắt tiền. Một trong số đó có hai con khỉ được nhốt trong
một bầu sinh quyển được cung cấp dưỡng khí từ cây xanh và có cả cơ cấu
nuôi sống bằng viên thực phẩm nữa. Trước đây tôi chưa từng được thấy khỉ
ngoài đời bao giờ, thế mà trong cái hội chợ khoa học này đã hiện diện
những hai con. Đề án này được xưng danh CON ĐƯỜNG ĐẾN SAO
HỎA. Tôi cảm thấy mụ mẫm cả người. Các chàng trai, cô gái chế tạo ra
những đề án này sẽ là đối thủ của đám trẻ con của miền Tây Virginia chúng
tôi ngoài đời sau này. Bất chợt, tôi cảm thấy tương lai của mình thật mờ mịt
và những cái miệng tên lửa bóng loáng của tôi bỗng dưng trở nên thô kệch.
“Hầu hết những sản phẩm quái vật được trưng bày ở đây đều đến từ New
York hay Massachusetts.” Tex nhún vai. “Tốn kém rất nhiều kinh phí, thêm
vào đó mấy đứa chúng nó thật sự rất thông minh. Và vài yếu tố khác nữa.
Ban giám khảo không thích đề án về hỏa tiễn đâu, vì họ nghĩ chúng quá
nguy hiểm. Tớ biết rõ rằng khi tới đây, mình sẽ chẳng có cơ hội để chiến
thắng bất cứ thứ gì đâu.”