Sau khi bị buộc nghỉ hưu ở tuổi 60, Bố vẫn ở lại làm cố vấn cho công ty
thêm 5 năm nữa và chuyển đến sống trong Club House. Còn Mẹ thì dọn
nhà xuống bãi biển Myrtle, rốt cuộc bà cũng tìm được cảnh tượng mình đã
vẽ trên bức tường năm xưa. Đến khi lá phổi của Bố không chịu đựng nổi và
công nhân của ông cũng không cho phép ông bước lên thang máy nữa thì
ông mới chịu về ở cùng với Mẹ.
Đến năm 1989, sau khi hoàn thành một nhiệm vụ đầy gian nan, tôi xin
nghỉ phép dài hạn để đến Caribbean. Trước khi đi, tôi có gọi cho bố mẹ. Mẹ
nghe máy và báo cho tôi biết lá phổi của Bố đã trở nên trầm trọng hơn
nhiều. Ông còn rất phiền muộn vì khu mỏ ở Coalwood đã bị đóng cửa,
những chiếc quạt gió đã tắt và những cái máy bơm cũng đều ngừng hoạt
động. Toàn bộ khu mỏ bị ngập chìm trong nước và sẽ chẳng bao giờ được
mở cửa trở lại. Đến phiên Bố nói chuyện với tôi, nghe giọng ông thật yếu
ớt nhưng cách nói của ông vẫn vậy - đầy tự tin và bất cần, và có lẽ tôi cũng
chẳng bao giờ tác động được gì tới ông. Mẹ nghe điện thoại lại và bảo tôi
cứ đi nghỉ mát, đừng lo lắng gì, mọi việc sẽ ổn thỏa cả thôi. Tôi cẩn thận để
lại tất cả những số điện thoại nào có thể liên lạc được cho tôi và sau đó đi
nghỉ theo đúng kế hoạch đã đề ra. Và trong khi tôi đi, Bố mất. Khi tôi trở
về, Mẹ đã thiêu xác ông và rải tro xuống vùng biển mà bà yêu dấu. Tôi bay
ngay xuống bãi biển Myrtle và thấy bà vẫn như vậy: vững vàng và cẩn
trọng không để cho tôi cảm thấy phiền muộn gì vì Bố, ngay cả khi ông đã
ra đi.
Tôi cảm thấy một sự thanh thản kì lạ cho dù tôi không ở cạnh bên khi Bố
nhắm mắt xuôi tay. Trong những lần về thăm Coalwood trước đây và sau
này là bãi biển Myrtle, tôi và Bố vẫn chào mừng nhau nồng hậu, trao đổi về
thời tiết trên đường từ nhà tôi về đến nhà ông, và chỉ dừng lại ở đó. Ông đã
muốn mọi việc chỉ như vậy nên tôi cũng chiều theo. Thật ra những cuộc
viếng thăm đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chủ yếu tôi muốn gặp Mẹ để
cho bà thấy mặt tôi và xem xét sự trưởng thành của mình qua năm tháng.