Frantík thở không ra hơi. “Một người bán hàng... ở ngoài chợ... bị cảnh
sát bắt! Những người đang uống rượu... ở quán dưới kia... nói thế!”
Không ai trong chúng tôi dám nói ra câu “Đó là ông Pohorák!” nhưng
như đàn chim bị hòn đá to ném giữa đàn, ngay lập tức chúng tôi tản ra mọi
phía.
Ba chân bốn cẳng, tôi lao xuống đường, đầu tôi ngả nghiêng. Chỉ trong
khoảng khắc, tôi đã ở dưới phố Valdštýnská, nhưng một cái gì đó thúc tôi
chạy mãi. Tôi ngoặt sang phố Senovážná, con đường rải đá lùi nhanh dưới
chân tôi. Một loáng sau, tôi đã đến bên nhà thờ Thánh Tomáš. Tôi muốn
chạy dọc theo đường che mái vòm xung quanh quảng trường để ngược lên.
Tôi chạy qua cái cột thứ nhất, nhưng ngay lập tức tôi phải dừng lại và đứng
nép vào chiếc cột thứ hai. Vì chính lúc đó, cảnh sát đang giải ông Pohorák
đi, cả con chó và cái xe hàng của ông nữa. Tôi trông thấy rất rõ là ông
Pohorák đang xúc động. Nỗi đau khổ không thể tả được in trên nét mặt ông.
Lịch sử loài người sẽ có một chỗ trống, nếu như tôi không kể ra đây cái
gì đã xảy ra với ông Pohorák. Sáng ngày hôm ấy, ông Pohorák đi qua cổng
thành Strahov muộn hơn mọi khi. Có thể nói là so với thói quen của những
người bán hàng và tập quán của Praha thì ông đã đến rất muộn, mãi vào lúc
bảy giờ. Ông kéo xe hàng vội vã đi, con chó trắng mừng rỡ vì không phải
kéo nên chạy theo rất vui vẻ.
“Sao hôm nay ông đi muộn thế?” Ông thợ nướng bánh mì ở phố
Hluboká hỏi. Ông ta đang đứng ở vỉa hè và thong thả hút thuốc.
“Ấy, phải dừng lại mấy chỗ,” ông Pohorák cười và dừng xe lại. Ông thò
tay vào túi bên phải, lấy ra một chai rượu carum, đưa cho ông thợ bánh và
nói: “Ta uống với nhau một ngụm chứ ông?”
“Cám ơn ông, lúc sáng tôi đã làm một hớp rồi.”
“Thì tôi cũng thế. Nhưng một hớp thì thấm thía gì!” Nói đoạn, ông
Pohorák dốc ngược chai, uống cạn, nhét chai vào xe, giơ tay chào rồi đẩy xe
đi tiếp.