Pepík lĩnh luôn cái bạt tai của bố. Tôi cảm thấy đỏ mặt. Đứa trẻ gào lên
khóc:
“Thế lúc sáng cô Wilhemová chẳng bảo mẹ là chú ấy ngu ngu thế nào
ấy là gì! Phải không mẹ?”
“Mày có câm đi không hả?”
Sao cơ? Tôi mà ngu ư? “Ra đây với chú, Pepík, ra đây!”, nhưng giọng
tôi tắc trong cổ. Thằng bé thôi khóc và đến đứng len giữa hai chân tôi.
Nhanh lên, chơi với trẻ con như thế nào nhỉ? “Cháu đưa tay ra đây! - Ông
này nấu - ông này rán - ông này nướng - ông này bảo: cho tôi một miếng! -
ông này nói: cho miếng gì? - cho miếng gì? - cho miếng này!” Pepík không
cười. “Đây là bố - đây là mẹ - đây là ông - đây là bà - đây là…”
Tôi không
biết tiếp nữa là gì. Cái thằng bé này quả thật là một đứa trẻ khù khờ. “À,
khoan đã, chú đố cháu một câu đố nhé!
Nó là cái gì: có màu xanh, nhưng không phải là cỏ; hói đầu, nhưng
không phải linh mục; có màu vàng, nhưng không phải là sáp ong; có đuôi,
nhưng không phải là con chó. Nó là cái gì hả Pepík?”
“Cháu không biết!”
Tôi muốn nói cho thằng bé biết, nhưng bây giờ thì chính tôi cũng
không biết nó là cái gì. Tôi chỉ nhớ câu đố, nhưng không nhớ lời giải. “Thế
thì chú nói thêm cái gì ngu ngu vậy,” Pepík gợi ý cho tôi.
Làm như không nghe thấy nó nói gì, tôi đứng dậy chia tay:
“Tôi phải về để học đây. Có lẽ cũng sắp mười hai giờ rồi.”
“Đã làm gì đến!” Anh họa sĩ nói. “Đồng hồ nhà này chắc chạy nhanh ít
nhất nửa tiếng.”
“Làm gì có thế!”, cô Anna Augusta chát chúa, “hôm qua, khi đồng hồ ở
trên tháp điểm giờ, tôi đã lấy cán chổi chỉnh lại rồi kia mà!”
Cả hai nói là họ rất lấy làm hân hạnh và bảo tôi hãy thường xuyên đến
chơi. Rằng chắc chắn chúng tôi sẽ là những người hàng xóm tốt của nhau!