và bẩn, tóc đã bạc, nhưng hai con mắt đen thì sáng rực như trong cơn sốt.
Đôi tay gầy đã nhăn nheo của ông huơ huơ không yên, có lúc làm co cả
người lại. Khi nói thì gần như nói thầm. Ở bên cạnh ông ấy, người ta có cảm
giác bất yên, như là có gì đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ông nói là đến hỏi xem tôi đã báo địa chỉ mới cho cảnh sát chưa. Tất
nhiên là tôi đã quên. Vậy thì tôi phải đi báo. Ông bảo rằng ông rất vui khi
họa sĩ đã nói với ông về việc tôi sẽ chơi bài với họ. Tôi gật đầu khẳng định.
Nhìn thấy tôi bị sổ mũi, ông ấy bảo: “Có nhiều người khi khỏe mạnh không
biết sức khỏe là gì.” Nhận xét ấy xem ra không được sắc sảo cho lắm, tôi
mỉm cười lịch sự và trả lời ngắn gọn: “Vâng!” Im lặng. Sau đó tôi nói tôi hi
vọng rằng ông ấy luôn mạnh khỏe. Ông ấy trả lời không được khỏe lắm, hay
bị đau họng và phải cẩn thận giữ gìn. Nói đoạn, ông húng hắng ho mấy tiếng
và nhổ nước bọt xuống đúng vào giày tôi. May là ông ấy không để ý thấy,
khỏi phải xin lỗi ngượng nghịu. Tôi giấu chân xuống gầm ghế. Ông ấy hỏi
tôi có năng khiếu âm nhạc không. Không, tôi không có khiếu âm nhạc,
nhưng khi còn bé tôi đã chơi đàn piano, có điều tôi không học được gì cả.
Tôi mỉm cười và nói thêm, như thể nói về một điều hiển nhiên:
“Vâng, tôi nghĩ không có người Séc nào mà ít ra không biết một chút
về âm nhạc.”
“Thế thì tốt, thế thì tốt! Chúng ta sẽ chơi bốn tay. Mùa hè nào tôi cũng
đem ra vườn cái đàn spinet, nó cũ nhưng còn tốt. Chúng ta sẽ chơi giải trí ở
đó. Thế thì tốt!”
Tôi cảm thấy mình phải lùi lại. “Piano ư? Không, tôi không chơi
piano... tôi... violon.”
“Cây đàn của anh có tốt không?” Ông ấy đảo mắt nhìn lên tường tìm
xem tôi treo đàn ở đâu. Tôi lại lùi bước nữa:
“Đã lâu rồi tôi không chơi... người ta thường bận bịu vì cuộc sống hàng
ngày,... người ta...”
“Hoài của!”