“Chú kể chuyện gì cho cháu ư?” Anh cu này láu cá đây, nó còn nhớ tôi
đã kể cho nó đủ chuyện mà.
“Chú kể truyện cổ tích đi.”
“Truyện cổ tích ư? Nhưng mà chú có biết truyện cổ tích nào đâu! À, để
chú kể truyện này nhé!”
Và tôi bắt đầu kể bằng giọng rất cổ tích:
“Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua. Vâng. Ông vua ấy không có một
người con nào. Vâng. Một hôm, tự nhiên người con trai lớn nhất của nhà
vua nói là sẽ đi chu du thiên hạ...”
Mọi người lăn ra cười. Anh họa sĩ lau hai giọt nước mắt lớn tràn ra từ
đôi mắt ướt:
“Anh luật sư cũng biết đùa đấy!”
Họa sĩ hẳn là người hiểu biết nên tôi thấy hãnh diện vì lời khen của anh
ấy. Ai mà chẳng thấy thích thú khi được người khác khen là biết đùa.
“Anh kể tiếp đi, truyện cổ tích ấy cũng dành cả cho trẻ em lớn tuổi
mà,” ông họa sĩ khuyến khích.
Tôi lại lâm vào lúng túng mới. Truyện cổ tích ấy không thể tiếp tục
được, vì nó có kết thúc rồi, nhưng mà họ có hiểu cho đâu! Là người biết đùa
thì tôi phải có can đảm ứng tác vậy, chắc là sẽ được. Thế là tôi kể tiếp nhưng
không thể được, tự nhiên tôi thấy mình nói rất dở hơi. Mọi người bắt đầu
không nghe tôi nữa và quay ra nói chuyện với nhau làm tôi thấy mừng vô
cùng. Chỉ có Pepík còn nghe tôi kể. Tôi vuốt tóc nó. Nhưng truyện cổ tích
phải có cái kết thúc nào chứ, tôi bắt đầu lắp bắp. May quá, tôi nảy ra một
sáng kiến. Tôi cầm tay Pepík, làm như bây giờ mới để ý đến và bảo nó:
“Pepík ơi, trông này, tay cháu bẩn quá!”
Thằng bé nhìn tay mình và bảo tôi: