“Tôi tên là Krumlovský.”
“Ấy, kể cũng lạ, tôi cứ nghĩ là ông luật sư nào cũng tên là Kratochvíl...
hé hé hé!” Ông ta cười, tiếng cười như xé vải. Tôi tròn mắt nhìn.
“Các ông đang nói chuyện gì thế?”
“A, chào anh Augusta, anh có khỏe không?”
“Ờ... Chẳng có công ăn việc làm gì.”
“Vâng, vâng - lúc nào gặp ông ở cầu thang cũng thấy ông cắp nách một
bức tranh mới nguyên. Chắc là ông vẽ chơi thì một ngày cũng phải được hai
bức!”
Anh họa sĩ cười, ra vẻ tự mãn:
“Đúng thế, cứ để đám ‘giáo sư’ ấy thử xem nào!”
“Ông có thể vẽ sẵn chân dung để dự phòng, he he he! Đúng ra mà nói
thì người vẽ chân dung là hạng người thừa nhất trên đời. Giả thử không có
một họa sĩ vẽ chân dung nào cả thì thế giới này cũng vẫn có rất nhiều bộ
mặt, và là những bộ mặt rất lạ lùng! Vì sao ông không vẽ cái gì khác?”
Cái châm biếm sắc bén không cưỡng lại được của ông Provazník làm
tôi buồn cười, nhưng nhìn thấy họa sĩ bối rối ngượng ngập tôi không nỡ
cười, làm tội anh ấy mà làm gì!
“Tôi chính gốc là nhà sử học,” anh họa sĩ lắp bắp, “nhưng không làm
ăn được vì người ta có ai hiểu gì về lịch sử đâu. Một lần, có một linh mục
đặt bức tranh tả cảnh thuyết giáo của tu sĩ dòng Capuchin theo tác phẩm bộ
ba Valdštýn. Tôi đã vẽ một bức tranh rất đẹp, vâng, phải nói là rất đẹp. Ấy
thế mà khi tranh vẽ xong, ông ấy lại không muốn lấy nó - ông ấy nói là
không muốn có linh mục dòng Capuchin ở bức tranh ấy! Linh mục mà nói
vậy, trời ạ! Lần khác, người ta đặt vẽ tranh Žižka cho tòa Thị chính ở
Kuckov, lần ấy mới thật là khổ! Tôi gửi cho họ bản phác họa. Họ không ưng
đôi giày của Žižka, bảo tôi hãy đi hỏi ông Palacký xem đôi giày ấy có đúng
là giày của giai đoạn lịch sử đó không. Ông Palacký chứng nhận là đúng.