của bà Bhaer tuy nhiên bà thường tìm cách hãm ước muốn về tự do quá
mạnh của em: bà giải thích cho em hiểu là cần phải chờ đợi và học cách làm
chủ bản thân. Đôi khi Nan chấp nhận và không còn muốn trở thành thợ máy
hoặc thợ rèn. Nhưng điều này không thỏa mãn em hoàn toàn. Em muốn làm
gì đó cho kẻ khác; em luôn hạnh phúc khi mấy đứa bé đến gặp em với ngón
tay bị đứt, một cái u trên đầu hoặc một cái chân bị trật để em “sửa chữa”. Bà
Jo đề nghị với em nên học cách chăm sóc; thế là Vú Hummel hướng dẫn cho
cô học trò có năng khiếu về mặt băng bó. Các cậu con trai gọi em là bác sĩ
Đầu óc trên mây. Nhưng em tỏ ra rất có khả năng nên một hôm bà Jo nói với
ông giáo sư:
– Fritz, em biết chúng ta có thể làm gì cho cô bé rồi. Ngay từ bây giờ nó
cần một mục đích để sống; nó sẽ trở thành một người phụ nữ quàu quạu mất
nếu như không tìm ra con đường để đi. Chúng ta không nên để hỏng một
con người đầy nghị lực và chúng ta hãy làm hết mình để hướng cô bé về
công việc mà nó yêu thích. Sau này chúng ta sẽ cố gắng thuyết phục bố nó
để cho nó học ngành y. Nó sẽ là một bác sĩ giỏi: nó gan dạ, vững chắc, dịu
dàng và đầy lòng thương đối với những người bị đau đớn.
Ông Bhaer bật cười về ý tưởng đó, nhưng ông hứa sẽ thử. Ông cho Nan
một mảnh vườn để trồng các cây thuốc và dạy cho em những đặc tính dược
học của chúng. Người ta để cho em thử khả năng trị bệnh trên mấy đứa bé
trong các trường hợp nhẹ. Em học thật nhanh và tỏ ra là một học sinh có
năng khiếu.
Em nghĩ đến tất cả những điều đó trên cây, khi Daisy nói một cách thật dễ
thương:
– Tôi thích trông coi nhà cửa, và ý định sẽ có một ngôi nhà thật xinh cho
Demi và chúng tôi sẽ sống trong đó khi tôi trưởng thành.
– Tôi không có anh. - Nan đáp dứt khoát. - Và tôi không muốn chăm sóc
một ngôi nhà. Tôi sẽ có một văn phòng với hàng đống chai lọ, ngăn kéo với
đủ thứ trong đó. Tôi sẽ có một con ngựa và một chiếc xe và tôi sẽ chăm sóc
bệnh nhân. Sẽ rất thích thú đây!