ưa thích nhất thời ấy. Hình như vậy. Nhưng mà đá đâu có nói, gạch và xi
măng củng chẳng hơn gì. Thậm chí cả thạch cao lẫn vữa cũng thế.
Wilbraham Crescent vẫn cứ im lìm là chính nó.
Kiểu dáng cổ xưa, cách biệt, khá tồi tàn và chẳng thèm trò chuyện. Tôi
chắc chắn nó cực lực phản đối những kẻ lang thang đầu đường xó chợ thậm
chí chẳng biết mình đang tìm kiếm cái gì nữa.
Chỉ có vài người quanh đó. Hai thằng nhỏ cưỡi xe đạp, hai người đàn bà
xách túi đi mua sắm. Chính những ngôi nhà có thể đã được ướp như những
xác ướp để giữ lại tất cả những dấu hiệu của sự sống có trong đó. Tôi biết
tại sao lại thế. Đã đến rồi hay gần đến một giờ giấc thiêng liêng của người
ta, một giờ giấc đã được truyền thống Anh thần thánh hóa để người ta tiêu
hóa bữa ăn trưa. Trong một hay hai ngôi nhà tôi có thể thấy qua những cửa
sổ không che màn một nhóm một hay hai người quanh bàn ăn, nhưng ngay
cả chuyện ấy cũng cực kỳ hiếm hoi. Hoặc là các cửa sổ được phủ màn
nylon che kín như đối nghịch với màn vải ren Nottingham đã có thời được
dùng rất phổ biến, hoặc nhiều khả năng hơn nữa — bất cứ ai có ở nhà đều
đang ăn trong bếp “hiện đại” theo tập tục của thập niên 1960.
Tôi trầm ngâm suy nghĩ, đó là khoảng thời gian trong ngày hoàn hảo cho
một án mạng. Tôi tự hỏi kẻ giết người có từng nghĩ vậy không? Có phải đó
là một phần trong kế hoạch của hắn? Cuối cùng tôi đã đến nhà số 19.
Cũng như quá nhiều thành viên khờ dại khác trong dân chúng, tôi cứ
đứng ngó trân trân. Lúc bấy giờ chẳng thấy bóng dáng một con người nào
khác. “Chẳng có láng giềng nào cả,” tôi buồn rầu tự nhủ, “chẳng có người
xem thông minh nào.”
Tôi cảm thấy vai mình đau nhói. Tôi đã sai lầm. Ở đây có một láng
giềng, đúng vậy, một láng giềng rất có ích giá như từng biết nói. Tôi đã dựa
vào cột cổng nhà số 20 và cũng con mèo lông vàng cam to lớn tôi từng thấy
trước đó đang ngồi trên cột cổng. Tôi dừng lại trao đổi vài lời với nó, trước
hết gỡ cái móng vuốt tinh nghịch của nó ra khỏi vai mình.
“Giá mà mèo biết nói nhỉ,” tôi tặng nó vài lời để mở đầu câu chuyện.