Đông Luy cố tỉnh trí, sắp xếp những lời rất cần thiết để tranh thủ thời
gian; và anh từ tốn hỏi:
- Buổi sáng hôm xảy ra vụ án mạng, trong khi có một người cầm can gỗ
mun, nhân dạng giống anh, đi vào tiệm cà phê Tân-kiều, thì lúc ấy anh ở
đâu ?».
— Tôi ở nhà tôi.
— Anh đảm bảo chắc chắn là anh không ra khỏi nhà ?
— Hoàn toàn chắc chắn. Và tôi cũng đảm bảo chắc chắn là chưa hề bao
giờ tôi đến tiệm cà phê ấy ! Mà thậm chí tôi không biết tiệm ở chỗ nào,
không biết có tiệm cà phê ấy.
— Được ! Sang điểm khác. Khi anh đã được biết xảy ra vụ việc này sao
anh không đến gặp ông quận trưởng hay ông biện lý ? Anh tới đó, khai báo
toàn bộ sự thật, có phải đơn giản hơn là mở cuộc chiến đấu không cân sức
này không ?
— Tôi cũng đã định làm như ông nói. Nhưng tôi hiểu ngay rằng toàn bộ
âm mưu nhằm đánh vào tôi được tổ chức bố trí rất khéo léo. Cho nên chỉ
đơn giản thuật lại toàn bộ sự thật của câu chuyện thì không đủ làm cho luật
pháp thông được. Người ta không tin tôi. Tôi chẳng cung cấp được bằng
chứng nào cả. Trái lại những bằng chứng họ nắm được để buộc tội chúng
tôi thì không biết chối cãi như thế nào.. Những vết răng in là chứng cớ
khẳng định tội phạm của Mari-An. Ngoài ra, sự câm lặng của tôi, việc tôi
chạy trốn, việc giết viên chánh thanh tra Anxơny chẳng là những tội rõ ràng
ư ? Không ! Muốn cứu Mari-An thì tôi phải ở ngoài vòng pháp luật.
— Nhưng Mari-An cũng có thể khai...
— Khai gì ? Nói lên mối tình của chúng tôi ư ? Sự thẹn thùng và danh
dự của người đàn bà không cho phép nàng nói. Mà nói ra để làm gì ? Sẽ
tăng thêm áp lực cho việc buộc tội ? Mà nàng không nói thì những thư của
Hippôlit-Fauvin, từng lá, từng lá đưa vào đấu trường, chả đã tố cáo với
pháp luật nguyên nhân của những vụ ám sát mà chúng tôi bị quy là thủ
phạm đấy ư ? Nguyên nhân đó là «chúng tôi yêu nhau".
— Anh định giải thích như thế nào về những lá thư ấy ?