— Tôi nói điều tôi đã nói. Khi họ là vô tội, thì tất sự việc nào buộc tội họ
cũng đều nằm trong mưu đồ toan tính cả.
Lại im lặng lúc lâu. Ông quận trưởng không giấu sự bối rối. Ông nhìn
chăm chăm Đông Luy và chậm rãi, nói:
— Dù kẻ sát nhân là ai, thì tôi cũng thấy cái tác phẩm hằn thù đố kỵ này
thực là khủng khiếp.
Perenna nói, dần dần hăng lên:
— Thưa ông quận trưởng, đây là một tác phẩm mà nếu ông chưa nghe
những lời tâm sự, tâm tình của Gattông-Xôvơrăng, thì ông cũng khó tin
được, và cũng không thấy hết được mức độ tàn bạo của nó. Tôi, khi nghe
Xôvơrăng kể chuyện, tôi đã hiểu ra toàn bộ tác phẩm, và từ khi đó, mọi suy
luận của tôi đều dựa trên cơ sở mối hằn thù khủng khiếp này. Ai là người
có thể hằn thù độc địa đến như vậy ? Mari-An và Xôvơrăng đã là đối
tượng của một lòng căm ghét tới mức độ nào ? Ai là người có tài trí đến
mức độ quấn quanh hai người vô tội kia những xiềng xích chắc chắn đến
như thế ?
Ngoài ra còn một ý nghĩ nữa chỉ đạo sự suy nghĩ của tôi, ý nghĩ đã có từ
trước nữa, ý nghĩ đã dằn vặt tôi nhiều và tôi đã có ngỏ cho Madơru biết. Ý
nghĩ đó là tính chất hết sức toán học của việc xuất hiện những lá thư. Tôi tự
nhủ những lá thư nghiêm trọng như thế và xuất hiện vào những định kỳ
chính xác đến thế, thì hẳn những định kỳ đó phải có một tầm quan trọng
tiên quyết. Vậy vì lý do gì ? Nếu do bàn tay con người đưa thư đến thì thể
nào cũng có trục trặc về thời gian một cách tự phát, hoặc sớm hơn một
chút, hoặc muộn hơn một chút, nhất là từ khi việc xuất hiện đã làm cho các
nhà chức trách phải chú ý, phải theo dõi. Thế nhưng, bất chấp mọi trở ngại,
những lá thư vẫn tiếp tục « gửi đến », cứ như là không thể không gửi đến.
Do đó dần dần tôi nghĩ ra: sự xuất hiện được thực hiện một cách máy tróc,
bằng một phương pháp không ai trông thấy, đã được và chỉ cần chỉnh định
một lần là sẽ hoạt động một cách không cưỡng nổi, như một định luật vật
lý. Ở đây không có trí tuệ, lý trí và lương tâm, mà chỉ là tự động thú vật
theo một sự cần thiết cụ thể.