Phần kinh này hay một cách lạ kỳ, vì chân lý ở đây không được diễn tả
bằng lời nói hay bằng ý niệm mà bằng những hình ảnh có thể cho chúng ta
thấy được Bụt Thích Ca và Bụt Đa Bảo không phải là hai vị Bụt tách rời
nhau mà có. Với óc phân biệt, chúng ta thấy có Bụt của quá khứ và có Bụt
của hiện tại, Bụt của bản môn và có Bụt của tích môn. Khi Bụt Đa Bảo mời
Bụt Thích Ca lên ngồi chung, ta thấy rõ ràng nước với sóng là một và ý
niệm về tích môn với bản môn cũng tan biến. Các đệ tử của Bụt bây giờ mới
biết Bụt là ai: Bụt là vô sinh bất diệt. Ban đầu, họ thấy Bụt của mình là có
sinh có diệt, Bụt của mình là hữu vi. Nhìn sâu, họ thấy Bụt của mình là vô
vi.
Trong kinh Pháp Hoa có một phẩm khác nói về “thọ mạng của Bụt” cho
ta thấy thọ mạng của Bụt là vô cùng. Mỗi phẩm trong kinh Pháp Hoa là một
màn kịch trình diễn cho chúng ta thấy sự thật bất nhị giữa tích môn và bản
môn, giữa hữu vi và vô vi.
Chúng ta thường nói một tờ lá hay một đám mây là vô thường, là có sinh,
có diệt hay có có, có không. Một con người cũng vậy, có sinh, có diệt, có có,
có không. Ta chỉ thấy được mặt hữu vi của những hiện tượng ấy mà thôi.
Nhờ quán chiếu, từ thế giới của tích môn ta tiếp xúc được với thế giới của
bản môn. Ta thấy rằng bản chất của tất cả các pháp là vô vi. Tất cả các pháp
đang an trú trong tự tính Niết bàn, không có pháp nào không phải là Niết
bàn. Nếu nói rằng, trong bốn sự thật có một sự thật là vô vi còn ba sự thật
kia là hữu vi, thì cái thấy đó chưa thật sự thấu đạt.
Sự thật về “khổ” giống như là một sự thật hữu vi. Khổ là vô thường,
nhưng nhìn cho kỹ thì nó cũng là vô vi. “Tập” cũng có dáng dấp của hữu vi,
nó được sinh khởi và hoại diệt như một chiếc lá hay một đám mây. Nhưng
nhìn cho kỹ, bản chất của khổ và tập là vô vi. Khổ, tập và đạo cũng ngang
hàng với diệt. Chúng ta cho một đợt sóng là hữu vi, tại vì đợt sóng có cái bắt
đầu, có cái chung cục, có lên, có xuống, có cao, có thấp, nhưng khi nhìn kỹ,
ta thấy sóng cũng là nước, mà nước thì không lên, không xuống, không cao,
không thấp. Sóng không cần phải đi tìm nước tại vì bản chất của nó đã là
nước. Sóng là nước và nước là sóng, đó là tương tức, đó là vô phân biệt.