Hồi đó, Hữu Bộ (Sarvāstivāda) có thể gọi là tông phái nổi tiếng nhất ở Ấn
Độ. Tông phái này có căn cứ ở miền Bắc, căn cứ đầu ở tại Kashmir và căn
cứ thứ hai ở Gandhara. Các học giả, khi nghiên cứu các chủ thuyết của Hữu
Bộ thường có khuynh hướng diễn tả giáo lý Hữu Bộ là một loại thực tại luận
(realism). Thực tại luận chủ trương các sự vật là có thật, mà không phải là
sáng tạo của tâm thức. Chủ trương này không được chính thống lắm đối với
truyền thống Phật giáo. Nhưng thực tại luận của Hữu Bộ có tính cách đa
nguyên (pluralism). Hữu Bộ có khuynh hướng phân tích các pháp ra làm
nhiều chủng loại (có ít nhất là 75 chủng loại) và chia các pháp ra ba thời
(quá khứ, hiện tại và vị lai). Hữu Bộ tìm cách chứng minh quá khứ có thật,
hiện tại có thật và tương lai có thật. Các pháp luân chuyển từ tương lai tới
hiện tại và đi về quá khứ là đều có thật. Có hai loại chứng minh: giáo chứng
và lý chứng. Giáo chứng là trích dẫn những lời Bụt dạy trong giáo lý, trong
kinh A Hàm, để chứng tỏ chủ thuyết của mình đi đúng với lời Bụt dạy. Lý
chứng là dùng lý luận để bênh vực chủ trương của mình. Về giáo chứng,
Hữu Bộ thường trích câu sau đây trong Kinh Bộ (Nikaya):
“Này các vị khất sĩ, sắc là gì? Tất cả các sắc dù là quá khứ, vị lai hay hiện
tại, dù là ở trong hay ở ngoài, dù là tốt hay xấu, dù là xa hay gần thì tất cả
đều được gọi là sắc.”
Căn cứ trên lời dạy của Bụt, Hữu Bộ nói sắc có thể ở trong hay ở ngoài,
sắc có thể là quá khứ, là hiện tại hay tương lai. Như vậy Bụt đã gián tiếp
công nhận: Quá khứ có mặt, hiện tại có mặt và tương lai cũng có mặt. Có
một câu khác trong Tạp A Hàm của Hán Tạng:
“Này các vị khất sĩ, nếu không có sắc trong quá khứ thì quý vị đâu có cần
phải tu tập để xả bỏ những lưu luyến của mình đối với sắc trong quá khứ?”
Chúng ta nhớ thương, chúng ta mắc kẹt vào những hình ảnh của quá khứ.
Sự nhớ thương, sự mắc kẹt ấy chứng tỏ ta không có tự do. Không có tự do
đối với cái gì? Ở đây không có nghĩa là không có tự do đối với các sắc hiện
tại. Trong quá khứ, quý vị đã từng sống qua, đã từng kinh nghiệm về những
sắc trong quá khứ. Những hình ảnh, những sắc quá khứ đó đang trói buộc
quý vị. Nếu sắc không có mặt trong quá khứ thì quý vị đâu cần phải tu tập