Thế Tôn đã từng nói rằng: Không có gì có thể sống còn được nếu không có
thực phẩm. Truyền thống Phật giáo cũng vậy, nó phải có thức ăn. Mà thức
ăn là gì? Thức ăn là những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, những
khổ đau đang xảy ra, những nhận thức của mình về khổ đau và những giáo
lý, những biện pháp tu tập có khả năng giải quyết những khổ đau đó. Trả lời
những câu hỏi đó của thời đại, đó là thức ăn.
Trong thời của Đức Thế Tôn, Ngài biết những gì xảy ra trong xã hội của
Ngài và Ngài đã đối trị những khổ đau, đáp ứng những vấn nạn của xã hội
bằng tuệ giác của Ngài. Ngài đã sáng tạo ra một truyền thống linh động (a
living tradition). Nếu nghiên cứu kỹ chúng ta sẽ thấy trong suốt 45 năm Đức
Thế Tôn hành đạo, cách giảng dạy của Ngài có nhiều sự thay đổi. Rồi theo
thời gian, tiếp xúc với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, cách thuyết
pháp và những pháp môn Bụt đưa ra càng ngày càng phong phú hơn. Truyền
thống ấy đích thực là một truyền thống linh động.
Kỳ trước chúng ta đã nghe nói tới những ví dụ, như ví dụ về nhân duyên.
Có những kinh Bụt dạy có sáu nhân duyên, có những kinh Bụt dạy chín
nhân duyên, có kinh Bụt dạy mười hai nhân duyên. Thập nhị nhân duyên là
giáo lý cuối. Nếu Bụt sống thêm mười năm nữa thì mười hai nhân duyên có
thể trở thành mười một hay mười ba nhân duyên, tại vì ngài không bị kẹt
vào hình thức của giáo lý.
Khi nghiên cứu và áp dụng kinh Quán Niệm Hơi Thở tôi thấy rằng vào
cuối đời của Đức Thế Tôn ngài đã cô đọng phương pháp thực tập hơi thở
thành ra kinh An Ban Thủ Ý. Kinh An Ban Thủ Ý, Đức Thế Tôn đã dạy
nhiều lần nhưng kinh An Ban Thủ Ý còn truyền lại cho chúng ta văn bản tối
hậu. Trong kinh An Ban Thủ Ý có mười sáu hơi thở đối trị với mười sáu
trường hợp. Thực tập mười sáu hơi thở đó mình có thể đạt được sự chuyển
hóa, an lạc và giải thoát. Khi học và thực tập kinh An Ban Thủ Ý tôi rất
khâm phục Đức Thế Tôn, Ngài dạy rất hay, nhưng mình vẫn có thể tiếp nối
được Thế Tôn làm cho kinh An Ban Thủ Ý càng được thích hợp hơn nữa
với xã hội hiện tại. Đức Thế Tôn giảng dạy trong xã hội, trong môi trường
của Ngài thì Ngài phải giảng dạy như vậy. Nhưng từ thế kỷ thứ sáu trước