sở tác nghiệp bất vong: cho dù có qua trăm, ngàn kiếp đi nữa thì cái nghiệp
đã làm ra không bao giờ mất. Những gì xảy ra trong hiện tại dưới dạng thân,
khẩu, ý không mất đi đâu cả, chúng đi về quá khứ để trở thành ra tương lai
và sẽ xuất hiện sau này. Hiện tại là nhân, tương lai là quả.
Nhưng cái ví dụ cuốn phim vẫn có một khuyết điểm. Trong cuốn phim thì
tất cả đã được an bài, hình chiếu lên đã được quyết định, không thay đổi
được. Cuốn phim có tính cách cơ giới (mechanic) còn con người thì không
phải là một cái máy, con người là sự sống. Chúng ta có ý chí, có quyết định
và có thiện ác nên có thể có sự thay đổi. Cách thức chúng ta quản lý hiện tại
có thể làm thay đổi tương lai. Những gì xảy ra dưới dạng thân-khẩu-ý đã rơi
vào A lại da thức (tàng thức) vẫn tiếp tục thay đổi, đó gọi là dị thục. Chúng
có sự sống, chúng có tính hữu cơ (organic). Hình ảnh của cuốn phim thì có
tính cơ giới, có tính cách quyết định (determinism) nhưng con người và
nghiệp báo thì có tính cách hữu cơ (organism) tại vì nơi con người luôn có
sự thay đổi, có sự ảnh hưởng lẫn nhau, có tác dụng của nghiệp.
Những người mới tới Làng Mai thường nghe giảng: Quá khứ đã qua rồi,
tương lai thì chưa tới, mình chỉ nên sống với hiện tại thôi. Người ta có thể
nghĩ rằng Làng Mai trốn chạy quá khứ và kỳ thị tương lai. Kỳ thực giáo lý
của Làng Mai là: Nếu tiếp xúc sâu sắc với hiện tại thì mình vẫn tiếp xúc
được với quá khứ và tương lai, tại vì quá khứ, hiện tại và tương lai tương tức
với nhau, cái này chứa đựng cái kia.
Chúng ta đã biết là Hữu Bộ ra đời sau Độc Tử Bộ (Vātsīputrīya). Độc Tử
Bộ chủ trương phải có ngã. Nếu không có một chủ thể thường còn thì ai là
người tu học, ai là người chứng đạo, ai là người tạo nhân và ai là người nhận
chịu quả báo? Để trả lời cho những câu hỏi đó thì phải công nhận có một
chủ thể. Nhưng Đức Thế Tôn đã dạy vô thường và vô ngã. Đứng về phương
diện lý chứng thì phải tìm một cái gì để chứng minh là có sự tiếp nối, nhưng
như thế thì có cái nguy hiểm là đi ngược lại với giáo lý của Đức Thế Tôn. Vì
thế mọi người đã tìm cách vén khéo để, một mặt chủ trương có một cái gì
thường hằng nằm bên dưới để làm chủ thể cho sự tu học và của sự tiếp nhận