Điều này không phải ai cũng có thể nắm bắt được, nó rất khó nắm bắt. Vì
vậy khi đi giảng dạy, người ta bắt buộc phải đưa ra một chủ thể thường tại,
một chủ thể tạo nghiệp để rồi lãnh thọ nghiệp báo, một chủ thể tu hành rồi
đạt quả. Câu “có tác nghiệp mà không có tác giả” chúng ta đã được học
trong Trung Quán Luận. Hình ảnh của domino rất hay, không có cái gì đang
chạy cả, mà rõ ràng chúng ta thấy có một cái gì đang chạy. Thật ra chỉ có cái
này tác động trên cái kia theo dây chuyền nhân quả.
Giáo lý vô ngã là một giáo lý mầu nhiệm, khó mà nhận biết được. Nó
không phải là một giáo lý có tính cách đại chúng, nhưng như thế không có
nghĩa là chúng ta không thể nắm bắt được. Quán chiếu cho kỹ thì ta thấy
mình là sự tiếp nối của tổ tiên và dòng họ mà không phải là một cái ngã
riêng biệt. Nhưng theo thường lý (common sense) thì ta là một cái ngã riêng
biệt, ta không phải là cha, là ông, là tổ tiên của ta. Đó chỉ là một cảm giác
của ta, đó chỉ là một ảo tưởng. Sự thật ta là sự tiếp nối của tổ tiên, ta mang
trong ta những thành quả, những nghiệp báo của tổ tiên và ta cũng đang chế
tác ra những nghiệp như vậy để ảnh hưởng về tương lai. Tuy giáo lý vô ngã
là một giáo lý khó hiểu, khó tin, nhưng với một ít công phu quán chiếu
chúng ta cũng có thể thấy được, hiểu được.
Hồi đó Độc Tử Bộ bị các tông phái khác lên án rất nặng nề đến nỗi bị cho
không phải là Phật tử. Là Phật tử, tại sao lại nói là có người, có ngã? Nhưng
Độc Tử Bộ có rất nhiều người theo. Trong số 250 ngàn vị xuất gia thời ấy,
thời thầy Huyền Trang sang Ấn Độ, thì đã có tới 66 ngàn thầy theo Độc Tử
Bộ, tại vì chủ trương của Độc Tử Bộ dễ hiểu. Tuy chống đối nhưng những
tông phái khác sau này cũng dần dần chịu ảnh hưởng tư tưởng của Độc Tử
Bộ không nhiều thì ít. Ý niệm về Tế ý thức của Hữu Bộ, ý niệm về Căn bản
thức của Đại Chúng Bộ và ý niệm về Hữu phần thức của Thượng Tọa Bộ
chẳng hạn, đó là những bằng chứng. Cuối cùng rồi Thượng Tọa Bộ cũng
chủ trương có Hữu phần thức, mà Hữu phần thức thì tương đương với Tế ý
thức. Sau rốt, chúng ta lại có A lại da thức. Kinh Đại thừa nói về A lại da
thức (A đà na thức) như sau:
A đà na thức thậm thâm tế