lạy xuống với danh hiệu của những vị Bồ tát là ta tiếp xúc với năng lượng
của đại trí, đại từ, đại bi, đại hạnh, đại nguyện ở trong ta và xung quanh ta.
Theo đạo Bụt Đại thừa, ta không nhất thiết cần phải có một nhân vật lịch
sử. Tự do và dân chủ không phải là những con người nhưng vẫn là những
cái có thật mà người ta đang hướng tới và mong cầu.
Đối tượng cho sự kính ngưỡng được sáng tạo ra bởi tâm thức cộng đồng,
đó gọi là phương tiện quyền xảo. Phương tiện quyền xảo là đặc sắc thứ hai
của Phật giáo Đại thừa.
Trong Cơ Đốc giáo có người nói tới Thượng đế như là tình thương, như là
nền tảng của thực hữu. Nói tình thương hay công lý hay thực hữu thì có hơi
trừu tượng, vì vậy nói tới Thượng đế như một con người thì sẽ dễ dàng hơn.
Vì vậy chúng ta đã nhân cách hóa Thượng đế, đã thờ phụng Thượng đế như
một con người. Thường thường Thượng đế trong đầu của người ta là một
người đàn ông. Phụ nữ thời nay không thích như vậy, Thượng đế vẫn có thể
là một người nữ. Tiếp xúc và thương yêu chân như, bản thể, tự do, công lý
thì hơi khó nhưng tiếp xúc con người đại diện cho những điều đó thì rất dễ.
Cầu nguyện với Niết bàn thì khó mà cầu nguyện với Bụt thì dễ tại vì Bụt là
một con người. Con người đó có phải là một nhân vật lịch sử hay không,
điều đó không quan trọng mấy. Điều quan trọng là con người đó có đại diện
được cho một cái có thật như đại bi, đại trí, đại dũng, đại giác, v.v... hay
không? Nếu có là được. Đứng về phương diện Đại thừa, không hẳn phải là
nhân vật lịch sử (réalisme) mới đúng mà chỉ cần có thực chất (nominalisme)
là đúng.
Trong kinh Lăng Nghiêm (Đại Phật đảnh Thủ lăng nghiêm) có một
chương nói về quan niệm của Đức Bồ tát Đại Thế Chí về pháp môn niệm
Bụt như sau:
Thập phương Như Lai
Lân niệm chúng sanh
Như mẫu ức tử
Nhược tử đào thệ
Tuy ức hà vi?