nghĩa thực chất hơn. Ví dụ bông hoa này cũng là một phần của pháp thân tại
vì sự biểu hiện của nó là một bài pháp về vô thường, vô ngã và tương tức.
Điều đó rất hay, rất thi ca. Đó là một sản phẩm của Đại thừa.
“Nụ hoa nào, hạt sỏi nào, ngọn lá nào cũng thuyết Pháp Hoa kinh.”
(thơ Nhất Hạnh)
Cái hay là, các nhà Đại thừa, trong khi xiển dương và phát triển giáo lý
của Đại thừa đã không bóp méo giáo lý của Tiểu thừa. Họ chỉ chê Tiểu thừa
là chỉ thấy được một phần của sự thật. Cái thấy của Tiểu thừa đúng nhưng
không đủ. Người Đại thừa nhìn bằng con mắt của một vị Bồ tát và thấy giáo
lý của Bụt vĩ đại hơn nhiều. Các nhà Đại thừa không cố tình bóp méo tư
tưởng của Tiểu thừa. Họ chỉ nói: “Các anh chỉ mới thấy được chừng đó thôi.
Đúng nhưng còn thiếu sót vô cùng!” Nếu nhớ câu đó thì chúng ta thấy Đại
thừa là sự tiếp nối của Tiểu thừa.
Từ Đại Chúng Bộ trở về sau chúng ta thấy khuynh hướng muốn làm thỏa
mãn nhu yếu thờ phụng và kính ngưỡng rất rõ ràng. Thực tập thờ phụng và
kính ngưỡng thì mình thấy trong lòng mình khỏe ra, nhẹ ra, tại vì mình có
một đối tượng để bám víu vào. Chúng ta không thể nào không bị cuốn theo
khuynh hướng đó. Nhưng nếu bị cuốn theo nhiều quá thì chúng ta sẽ bỏ mất
sự thực tập. Chúng ta trao hết thân mạng mình, hạnh phúc của mình, sự giải
thoát của mình cho một lực lượng linh thiêng. Chúng ta không còn có sự cố
gắng cá nhân.
Cơ Đốc giáo có giáo lý như thế: Những cố gắng của con người không đi
đến đâu. Nếu Thượng đế không ra tay cứu giúp thì đừng hòng (the teaching
of justification by faith only). Chỉ có đức tin mới chở mình qua bên kia được
còn những cố gắng cá nhân thì cũng không đi đến đâu. Đó hoàn toàn tín
ngưỡng, là bhakti (devotion).
Tinh thần của Phật giáo Nguyên thỉ không phải vậy. Có lần Bụt nói:
“Khi đứng bên này bờ sông thì mình đừng cầu nguyện ‘bờ bên kia ơi, qua
đây cho tôi bước lên’. Mình phải làm bè rồi ngồi lên mà bơi qua sông”.
Đức Thế Tôn đã nói rõ như vậy. Đó là tinh thần của Phật giáo Nguyên thỉ.
Trong khi đó, nhu yếu của quần chúng đẩy các thầy và các vị truyền giáo