dưới mọi chuyển biến, nó bảo đảm cho một sự liên tục để mình có thể nắm
lấy.
Trước hết, Độc Tử Bộ đưa ra cái gọi là thắng nghĩa Bổ đặc già la. Nếu
không có cái ngã thường còn và liên tục thì làm sao giải thích được nhân
quả, nghiệp báo, tu chứng? Đó là sự hấp dẫn rất lớn. Cố gắng đầu tiên của
Độc Tử Bộ là lập ra thắng nghĩa Bổ đặc già la và muốn cho đừng trái chống
với giáo lý của Đức Thế Tôn thì chủ trương rằng cái pudgala (person) ở đây
không phải là cái ngã trong kinh Vệ Đà của Ấn Độ giáo. Nó là thắng nghĩa,
là bất khả tư nghì, là không thể quan niệm được.
Đại Chúng Bộ sản xuất ra Căn bản thức
根 本 識 (mula-vijñāna), Hữu Bộ
có Tế ý thức
細 意 識, Thượng Tọa Bộ sáng tạo ra Hữu phần thức 有 分 識
(bhavānga). Trong Pháp tướng duy thức học nó là A lại da thức (Alaya-
vijñāna), trong Tam luận là giáo lý Không
空 (sunyata), là Chân như 眞 如
(suchness), rồi tới Phật tánh
佛 姓, Pháp thân 法 身 và Như Lai tạng 如 來
藏. Tất cả đều là sự tìm kiếm để thiết lập ra một cái gì thường còn nằm ở
chiều sâu bên dưới hiện tượng để người ta bám vào. Dù nói tới pháp thân
hay Phật tánh hay Như Lai tạng hay chân như v.v... thì người ta vẫn cho rằng
cái ấy thường còn nhưng không xa lìa, không phải là cái gì ở ngoài những
phiền não và những sinh diệt biến dị. Họ tìm cách để chứng minh rằng giáo
lý đó vẫn trung kiên với giáo lý vô thường và vô ngã của Đức Thế Tôn. Nếu
chúng ta không khéo thì những quan niệm về Như Lai tạng, về Phật tánh, về
chân như, về không, v.v... có thể được nhận thức như một cái ngã. Điều kỵ
nhất trong Phật giáo Nguyên thỉ là cái ngã.
Kinh luận về Duy thức có nói: Thức A nà đa rất tế nhị, rất sâu sắc. Các
chủng tử trong ấy trôi như một dòng nước dốc. Đối với những căn cơ tầm
thường tức phàm phu thì tôi (Bụt) không muốn nói cho họ nghe vì sợ những
người đó nắm lấy và chấp đó là ngã. Ngay cả Duy thức học cũng thấy nguy
hiểm khi đưa ra A lại da thức, sợ người ta nắm lấy nó và chấp đó là một cái
ngã.
Khuynh hướng đi tìm và nắm lấy một cái ngã là khuynh hướng rất phổ
cập. Trong khi đó giáo lý căn bản của Đức Thế Tôn là vô ngã. Người ta có