lạy xuống chúng ta tiếp xúc được với chất liệu đại trí trong con người của
mình. Lạy xuống trước một vị Bồ tát tên Đại trí Văn Thù không phải là thờ
cúng một vị thần mà là lạy xuống trước một sự thật, tại vì đại trí là một cái
gì có thật. Chúng ta đau buồn, ganh tị, giận hờn, nhưng khi hiểu ra thì chúng
ta hết đau buồn, ganh tị, giận hờn. Đại trí là một yếu tố của giải thoát, vì vậy
đại trí là đối tượng của sự sùng kính của chúng ta. Những người chưa hiểu
sâu thì nghĩ, Đức Văn Thù ở ngoài và ta phải hướng về kính lạy. Là người
tu, chúng ta phải thấy được Đức Văn Thù trong sư anh, sư chị, trong thầy và
trong chính mình. Mỗi khi lạy xuống thì chúng ta tiếp xúc được với Văn
Thù như một cái gì có thật, cụ thể chứ không phải là một hình ảnh vu vơ của
sự thờ phụng.
Điều này cũng đúng với đại bi. Bồ tát Quan Thế Âm, theo sự nghiên cứu
khoa học thì chúng ta biết đó không phải là một nhân vật lịch sử. Nhưng
chúng ta rất cần tình thương, cần sự tha thứ, cần khả năng lắng nghe, nên
chúng ta đã nhân cách hóa đại bi. Hình ảnh của Đức Quan Âm, có khi là đàn
ông có khi là đàn bà, không phải là một vị thần vu vơ mà là một chất liệu có
thật.
Hiện nay ai cũng sùng tín tự do, bình đẳng, dân chủ. Tự do, bình đẳng,
dân chủ đều là đối tượng của sự ham muốn của con người hiện đại. Nước
Pháp tặng cho nước Mỹ một tượng thần tự do cũng trong tinh thần đó, đó là
Bồ tát tự do. Chúng ta rất cần chất liệu của trí tuệ, của tình thương, của đại
nguyện, chất liệu của sự hành động. Chúng ta đã nhân cách hóa những chất
liệu đó để mình dễ dàng tập trung, vì vậy chúng ta đã có những Bồ tát Văn
Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Địa Tạng. Ở nhân gian chúng ta có những vị Bồ
tát Dân Chủ, Tự Do, Công Bằng, Tình Huynh Đệ. Ba vị Bồ tát của nước
Pháp là Bồ tát Tự Do, Bồ tát Huynh Đệ và Bồ tát Bình Đẳng (Liberté,
Fraternité, Egalité).
Nếu hiểu như vậy thì cái lạy của chúng ta sẽ sâu hơn. Khi lạy chúng ta
tiếp xúc được với năng lượng vĩ đại của tình thương, của trí tuệ của những
người đi trước chúng ta, những người đang đi với chúng ta và những người
sẽ đi với chúng ta. Đó là chuyện có thật. Các vị Bồ tát không cần phải là