40. Phật sở thuyết kinh giai thị liễu nghĩa.
Kinh của Phật nói toàn là liễu nghĩa.
The sutra preached by the Buddha are all perfect in themselves.
Tous les soutras énoncés par le Bouddha ont un sens entièrement
intelligible.
Tất cả các kinh Bụt nói đều là liễu nghĩa (chân lý tuyệt đối). Thông
thường chúng ta nghĩ rằng trong những kinh dạy cho người sơ cơ, Bụt
không nói tới sự thật tuyệt đối, chỉ nói tới sự thật tương đối để đưa người ta
từ từ vào đạo tại vì căn cơ của mỗi người khác nhau. Chúng ta tin có hai loại
kinh: Kinh liễu nghĩa và kinh không liễu nghĩa. Kinh liễu nghĩa là kinh diễn
bày chân lý tuyệt đối. Kinh không liễu nghĩa là kinh diễn bày chân lý tương
đối để người ta có thể nắm được rồi từ từ đưa người đó đi tới.
Theo Đại Chúng Bộ thì Bụt không bao giờ nói loại kinh chân lý tương
đối. Khi Bụt mở miệng nói, Ngài chỉ diễn bày chân lý tuyệt đối thôi, nhưng
tại vì căn cơ của mỗi người nghe nên người ta thấy đó là liễu nghĩa hay
không là liễu nghĩa. Đây cũng là một điều biểu lộ khuynh hướng tuyệt đối
hóa Đức Thế Tôn.
Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo. Thương như
vậy thì khá nguy hiểm! Bất cứ những gì thuộc về người mình thương, mình
cũng làm thành tuyệt đối. Như vậy là có một cái nhìn bóp méo về người đó,
bắt người đó làm thần thánh, không cho người đó được làm người, không
cho người đó hiện rõ chân tướng của họ. Mình buộc người thương của mình
phải như ý mình muốn. Đức Thế Tôn cũng có thể là nạn nhân của cái
thương, huống hồ chúng ta!
41. Vô vi pháp hữu cửu chúng: Nhất, trạch diệt; nhị, phi trạch diệt;
tam, hư không; tứ, không vô biên xứ; ngũ, thức vô biên xứ; lục, vô sở
hữu xứ; thất, phi tưởng phi phi tưởng xứ; bát, duyên khởi chi tánh;
cửu, thánh đạo chi tánh.
Các pháp vô vi có chín thứ, đó là trạch diệt, phi trạch diệt, hư không,
không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng, duyên khởi
tánh và thánh đạo tánh.