Tùy miên là những khối khổ đau, phiền não, những thói quen, tật xấu nằm
ngủ trong chiều sâu tâm thức mình. Chúng nằm ngủ ở đó, không khuấy rối
mình. Nhưng chúng có đó, mai mốt khi chúng thức dậy thì mình mới biết.
Tùy là đi theo, miên là ngủ, nó ngủ nhưng mình đi đâu nó cũng đi theo
mình. Tùy miên dị triền có nghĩa là tùy miên khác với triền.
Triền là ràng buộc, trói lại. Chữ triền được dịch ra từ chữ samyojana. Có
10 sợi dây trói mình lại gọi là thập triền. Chúng sai sử, xúi đẩy ta làm những
cái mà ta không muốn làm. Sử là thúc đẩy. Thập triền, thập sử là những sợi
dây trói buộc và kéo ta đi, đẩy ta làm những cái ta thật sự không muốn làm.
Thí dụ ta biết nói câu đó ra là sẽ gây ra đổ vỡ mà ta cũng vẫn nói như
thường, ta biết làm việc đó là sẽ gây ra đổ vỡ mà ta vẫn làm như thường tại
vì “cái đó” mạnh hơn ta, nó sai sử ta, nó làm chủ ta. Sử với triền gần với
nhau, giống như nhau. Mười sợi dây là thập triền, chúng trói ta lại. Mười
ông chủ là thập sử, chúng đẩy ta làm những cái mà ta không muốn làm. Ta
phải nhận diện những sợi dây ràng buộc trong ta để từ từ tìm cách tháo gỡ
và phải nhận diện được những lập luận thúc đẩy mình làm những chuyện
không nên làm.
Theo chủ trương này, tùy miên khác với triền và sử vì chúng không tương
ứng với tâm nhưng triền và sử thì tương ứng với tâm. Tương ứng là đi đôi,
là cộng tác với nhau. Tâm đi đôi với tâm sở. Tương ưng tâm sở ngũ thập
nhất (Bát Thức Quy Củ Tụng - Huyền Trang) tức là 51 tâm sở tương ứng
với ý thức. Tương ứng, tiếng Phạn là samprayukta, là đi đôi với nhau vì có
cùng một bản chất như đất đi đôi với cây. Nếu trồng cây vào trong một khối
nylon thì không có sự đi đôi, không có sự tương ứng (visamprayukta).
Có những pháp tương ứng với tâm gọi là tâm tương ứng pháp và những
pháp không tương ứng với tâm gọi là tâm bất tương ứng pháp tại vì chúng
không cùng một chất với tâm. Những lãnh vực này thuộc về tâm lý học thâm
sâu của đạo Bụt, sau này được gọi là Duy Biểu học.
Chúng ta có những tâm thức như nhãn thức, ý thức và những tâm sở (còn
gọi là tâm hành) như thọ, tưởng, tác ý, niệm. Tâm (sau này được gọi là tâm
vương) là dòng sông, tâm sở là những giọt nước tương ứng với dòng sông