nên được gọi là tâm tương ứng. Chúng tương ứng với tâm, làm việc với tâm
(citta-samprayukta). Có những pháp không tương ứng với tâm. Những pháp
đó được gọi là tâm bất tương ứng pháp tại vì chúng không đồng bản chất
với tâm như đắc, văn cú, số hay tốc độ. Đắc là nắm, đoạt được, chiếm hữu
được. Ngược lại với đắc là thất (mất). Đó là những pháp có thật. Thi đậu giật
được một bằng cấp thì gọi là đắc, thi hỏng không có bằng thì gọi là thất.
Những pháp đó không tương ứng với tâm, không cùng bản chất với tâm.
Trong khi các pháp như xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, dục, thắng giải, niệm,
định, tuệ, vô tàm, vô úy, trạo cử, hôn trầm, thất niệm, bất phóng dật, bất
chánh tri, v.v... đều là những tâm sở có cùng một bản chất với tâm như
những giọt nước cùng một bản chất với dòng sông. Một cái bọc nylon, ta có
thể dùng để chứa 2 hay 3 lít nước nhưng bọc nylon không cùng bản chất với
nước, nylon không tương ứng với nước.
Văn chương, những câu văn, những chấm phết, dấu hỏi, chấm than,
những danh từ, không phải là tâm, không phải là tâm sở và chúng không
tương ứng với tâm. Những con số như số 10, số 100, số 1000 đều là pháp
nhưng chúng không cùng bản chất với tâm nên gọi là tâm bất tương ứng
pháp. Tốc độ cũng vậy, nó là một pháp nhưng không tương ứng với tâm.
Dưới đây là 5 phạm trù của 100 pháp theo Pháp tướng tông, được liệt kê
như sau:
1. Sắc, như mắt, tai, mũi, lưỡi, v.v...
2. Tâm, số lượng của những pháp đó khác nhau trong mỗi tông phái. Đối
với Hữu Bộ thì tâm chỉ có một thôi trong khi với Pháp tướng duy thức tông
có tới 8 tâm.
3. Tâm sở, số lượng các pháp này cũng khác nhau trong các tông phái,
tông phái này nói có 51 tâm sở, tông phái kia nói chỉ có 47 thôi.
4. Tâm bất tương ứng pháp.
5. Pháp vô vi (dharma non composé). Có tông phái nói chỉ có một pháp
vô vi là Niết bàn, trong khi Đại Chúng Bộ nói có 9 pháp vô vi.
Tâm và tâm sở đều có kiến phần và tướng phần, nghĩa là chủ thể và đối
tượng. Theo chủ trương của Đại Chúng Bộ thì tùy miên không phải tâm