cũng không phải tâm sở cho nên không có đối tượng, không có sở duyên
(alambana). Chúng chỉ là những khối phiền não thôi.
45. Quá khứ vị lai phi thật hữu thể.
Quá khứ và vị lai không có bản thể chân thật.
The past and future do not have the nature of reality.
Le passé et le future n’existent pas réellement.
Quá khứ và vị lai không có thực thể chân thật. Đây là lập trường của Đại
Chúng Bộ khi Hữu Bộ đã trở thành một tông phái rất hùng mạnh. Đây cũng
là một phản ứng ngược lại, vì theo Hữu Bộ thì tất cả đều hiện hữu. Không
những hiện tại đang có mặt mà quá khứ và tương lai cũng đang có mặt.
Làng Mai thường nhắc một câu trong kinh Người biết sống một mình:
“Quá khứ đã không còn và tương lai thì chưa tới, hãy quán chiếu sự sống
trong giây phút hiện tại.” Đó là một lời trực tiếp của Đức Thế Tôn. Căn cứ
trên những câu kinh như câu ấy, chúng ta xác nhận chỉ có hiện tại là hiện
hữu. Vì quá khứ không còn và tương lai thì chưa tới, nên chúng được coi
như không có. Đại Chúng Bộ bám vào những câu như thế để chứng tỏ cho
Hữu Bộ biết là họ sai khi họ nói quá khứ và tương lai đều hiện hữu.
Vào thế kỷ thứ 3 trước Thiên Chúa, trong thời A Dục vương, Hữu Bộ đã
có thế đứng rất vững, là một trong ba tông phái mạnh nhất ở Ấn Độ thời đó.
Đó là Đại Chúng Bộ, Hữu Bộ và Thượng Tọa Bộ. Hữu Bộ đang phát triển
rất mạnh. Theo tư liệu của Phật giáo Therevāda thì vua A Dục có thiện cảm
với Thượng Tọa Bộ hơn, vì vậy Hữu Bộ đã dời đại bản doanh lên miền Bắc,
ở Kashmir. Hữu Bộ còn một trung tâm lớn khác ở miền Tây (Gandhara).
Thầy Thế Thân lớn lên và tu tập ở trung tâm miền Tây này. Chủ trương của
Hữu Bộ miền Tây có hơi khác với chủ trương của Hữu Bộ miền Đông Bắc
nên thầy Thế Thân quyết định lên Kashmir để học thêm về giáo lý gốc của
Hữu Bộ. Thầy tới mà không để lộ ra cho biết tông tích của mình và sau đó
đã học được hết tinh hoa của giáo lý Hữu Bộ. Học xong, trở về trung tâm
miền Tây, thầy viết một tác phẩm tên là A tỳ đạt ma Câu Xá Luận
(Abhidharma-Kośā-śastra), có nghĩa là kho tàng của A tỳ đạt ma.