Tác phẩm A tỳ đạt ma Câu Xá Luận, trên phương diện hình thức được
xem như là thâu tóm tất cả những tinh hoa của Hữu Bộ nhưng kỳ thực
không hẳn như vậy. Những gì thầy Thế Thân cho là còn khiếm khuyết của
Hữu Bộ thì thầy đã loại ra hoặc chỉnh đốn lại. Thầy có cảm tình với kinh
Lượng Bộ. Kinh Lượng Bộ có khuynh hướng nương vào những lời kinh của
Bụt hơn là nương vào Luận tạng. Trong các truyền thống Hữu Bộ và
Thượng Tọa Bộ, Luận tạng dần dần trở thành quan trọng hơn cả Kinh tạng,
vì Luận tạng được xem là công trình hệ thống hóa những giáo lý trong Kinh.
Cũng vậy nên người ta đã sử dụng danh từ Abhidharma. Abhidharma được
dịch là Thắng pháp, tức là Superdharma. Cũng như ở Trung Quốc, người ta
nói Như Lai thiền không bằng Tổ sư thiền. Vì vậy Kinh Lượng Bộ, một tông
phái xuất hiện sau Hữu Bộ đã phản ứng lại: “Các anh đi xa quá! Tôi không
dựa vào Luận, tôi chỉ tin vào Kinh thôi. Tôi muốn bám chặt lấy những lời
dạy trực tiếp của Đức Thế Tôn.”
Thầy Thế Thân tuy học theo Hữu Bộ nhưng cũng có khuynh hướng của
Kinh Lượng Bộ. Tác phẩm Câu Xá Luận ban đầu người ta tưởng là một tập
đại thành trung thực của Hữu Bộ, không ngờ thầy đã vượt lên cả Hữu Bộ.
Ban đầu có sự chống đối của các luận sư trong Hữu Bộ, nhưng rốt cuộc thì
thầy Thế Thân đã thắng. Tác phẩm A tỳ đạt ma Câu Xá Luận sau đó được
toàn cõi Ấn Độ chấp nhận, coi như một bảo vật và đã được dịch ra tiếng
Hán.
Hữu Bộ chủ trương rằng bản chất của tất cả các pháp đều có thật, không
những hiện tại có thật mà quá khứ và tương lai cũng có thật. Đó là một điểm
mà sau này Đại thừa cực lực chống đối. Vì Hữu Bộ chủ trương hữu nên Đại
thừa chủ trương không. Hữu Bộ chủ trương ngã không pháp hữu, chỉ có ngã
là không còn tất cả các pháp đều có. Đại thừa thì nói ngã đã không mà pháp
cũng không. Chúng ta đã từng nói rằng Hữu Bộ đã đóng góp cho Đại thừa
rất nhiều, trong đó có sự kích thích Đại thừa phát triển giáo lý không.
Chủ trương 45 này là một phát súng thần công bắn vào Hữu Bộ: Quá khứ
vị lai phi thật hữu thể. Chúng ta sẽ có cơ hội trở lại điểm này, một điểm rất
sâu sắc.