Chúng ta đừng tưởng Độc Tử Bộ ngây thơ. Họ lý luận rất sắc bén, rất
thực tế. Có một số người không công nhận Độc Tử Bộ là Phật giáo, nhưng
có một số khá đông khác công nhận rằng tuy Độc Tử Bộ chủ trương có ngã,
có người, nhưng họ vẫn là Phật tử. Con số 66.000 thầy theo Pudgalavāda
trong tổng số 250.000 thầy là một con số rất hùng biện.
Chúng ta phải phân biệt đốt và bị đốt. Khi có một thanh củi chúng ta đừng
cho nó là cái bị đốt vì hiện tại nó chưa bị đốt. Chỉ khi nào lửa bùng lên và
thanh củi đang cháy thì chúng ta mới có thể gọi nó là bị đốt. Bây giờ nó chỉ
có khả năng trở thành bị đốt thôi chứ chưa phải là bị đốt, đó là khả nhiên.
Cái đốt là lửa. Lửa có sẵn ở đâu để tới đốt thanh củi? Nó đã có sẵn trước hay
không? Hay là nó phải nhờ củi mới phát hiện được? Khi quẹt một que diêm
thì ta thấy có lửa, nhưng lửa chỉ có thể phát hiện được khi có que diêm, lửa
không thể nào phát hiện nếu không có nhiên liệu, nghĩa là cái bị đốt. Đốt
không thể có khi không có bị đốt.
Ý niệm thứ hai mà chúng ta phải lấy ra là: cái đốt đi tới và hợp tác với cái
bị đốt. Không phải cái đốt có mặt riêng biệt, cái bị đốt cũng có mặt riêng
biệt, rồi hai cái đi tới và hợp tác với nhau. Không phải như vậy! Chỉ khi nào
có sự bốc cháy thì ta mới thấy cái bị đốt (sở nhiên) và cái đốt (nhiên).
Sở nhiên và nhiên đều có tính cách riêng. Cái đốt và cái bị đốt không phải
là nhau. Nhưng nếu trong cái bị đốt không tiềm tàng khả năng bị đốt thì lửa
không thể phát hiện được. Vì vậy ý niệm phi tức phi ly uẩn cũng có lý lắm
chứ không phải không có. Ít nhất là nó có vẻ có lý, và đo đó đã chinh phục
được rất nhiều người. Ngã không phải là năm uẩn, không phải là sắc, thọ,
tưởng, hành và thức. Nếu ngã là năm uẩn thì khi năm uẩn diệt thì ngã cũng
diệt theo, làm sao mà đi luân hồi? Nhưng ngã cũng không thể phát hiện khi
không có năm uẩn. Đó là hình ảnh mà Độc Tử Bộ hay dùng khi nói về ngã
là một đối tượng của nhận thức: “Khi nào mình vượt được hai ý niệm, hoặc
là một với uẩn hoặc là khác với uẩn thì khi đó mình mới thấy được ngã”.
Trong lịch sử Phật giáo, có những bộ óc vĩ đại có thể trả lời được câu nói
đó và những bộ óc vĩ đại đó được đại diện bởi các thầy Long Thọ
(Nargajuna) và Thế Thân (Vasubandhu). Trong Trung Quán Luận, Chương