tiêu xài hoang phí, cuối cùng cũng buộc phải trả các hóa đơn
ngoài khả năng tài chính. Ở giai đoạn yếu kém của đồng nội tệ,
ngân hàng trung ương mất dự trữ nhiều hơn dự kiến do những thay
đổi đột ngột trong tâm lý thị trường. Các nhà xuất nhập khẩu
thận trọng tìm cách bảo vệ vốn và lợi nhuận của họ nên sẽ giảm
đến mức tối thiểu các khoản tiền mà họ nắm giữ bằng đồng bảng
và thời gian nắm giữ. Những nhà đầu cơ tiền tệ có chiếc mũi
được huấn luyện để đánh hơi sự suy yếu sẽ vồ lấy ngay một đồng
bảng rơi xuống và bán khống một mẻ lớn, với hy vọng làm cho nó
rớt giá thêm, sau đó Ngân hàng Trung ương Anh sẽ phải thu mua
lượng đầu cơ.</p>
<p class="calibre2">Một đồng tiền suy yếu không được kiểm soát
sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều so với một gia
đình phá sản. Hậu quả của nó là phá giá, mà phá giá một đồng
tiền quan trọng như đồng bảng Anh giống như một cơn ác mộng đối
với tất cả các ngân hàng trung ương ở London, New York,
Frankfurt, Zurich hay Tokyo. Khi dự trữ của nước Anh trở nên
kiệt quệ, Ngân hàng Trung ương Anh không thể đáp ứng hoặc không
sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ duy trì đồng bảng ở mức 2,78 đô-la
thì kết quả tất yếu là phá giá. Khi đó quy định được phép dao
động trong khoảng 2,78 đô-la đến 2,82 đô-la sẽ đột ngột bị bãi
bỏ; chỉ bằng một nghị định đơn giản của chính phủ, mệnh giá
đồng bảng Anh được thiết lập ở con số thấp hơn cùng với những
hạn chế xung quanh tỷ giá mới. Mối đe dọa chính là những gì có
thể xảy tiếp theo, có thể là sự hỗn loạn vượt ra khỏi ranh giới
nước Anh.</p>
<p class="calibre2">Phá giá quả thật đáng sợ bởi vì nó là biện
pháp can đảm nhất nhưng cũng mạo hiểm nhất đối với một đồng
tiền ốm yếu. Nó làm cho giá cả hàng hóa của nước có đồng tiền
phá giá rẻ hơn hàng hóa của các nước khác, từ đó làm tăng kim
ngạch xuất khẩu, giảm hoặc loại bỏ thâm hụt trong tài khoản
quốc tế. Tuy nhiên, nó lại khiến hàng hóa nhập khẩu và nội địa
trở nên đắt đỏ hơn, do đó làm giảm mức sống của quốc gia đó. Nó
là ca phẫu thuật triệt để, việc cứu chữa được đánh đổi bằng sức
mạnh và sự hưng thịnh của người bệnh – trong nhiều trường hợp
phải đánh đổi niềm kiêu hãnh và uy tín của anh ta. Tệ thay, khi
đồng tiền phá giá lại có sức ảnh hưởng như đồng bảng Anh được
sử dụng rộng rãi trong các giao dịch quốc tế, phương thuốc cứu
chữa lại trở thành một căn bệnh có khả năng lan truyền. Một
quốc gia có dự trữ ngoại tệ là đồng tiền bị phá giá thì chẳng
khác nào kho chứa tiền bị trộm. Những quốc gia như vậy ở thế
bất lợi về thương mại, sẽ đua nhau phá giá đồng tiền của nước
mình. Hình thành một vòng xoáy suy giảm: Tin đồn phá giá liên
tục truyền đi trong gió; việc mất niềm tin vào đồng tiền sẽ
khiến người ta không muốn kinh doanh xuyên quốc gia; kết quả
thương mại quốc tế giảm trong khi thức ăn và chốn ở của hàng