đến bậu cửa của viện dưỡng lão.
Mùa thu. Tháng chín. Trời vẫn chưa lạnh. Những ngôi nhà gỗ thấp tè xây từ
trước cách mạng. Không có cổng. Trong sân mọc ngập cây ngưu bàng,
những con người kỳ dị mặc những bộ quần áo cổ lỗ và mũ có vành che tai
đang đi lại. Có tiếng hát đồng ca. Những bà già thường xuyên hát đồng ca.
Không thấy bóng các bà lão, họ ở cả trong nhà. Bài hát vọng ra từ sâu bên
trong:
Ôi, Kalina đang nở hoa
Trên đồng bên con suối
Chàng trai trẻ,
Tôi yêu…
Không bao giờ. Cả trước đó và sau này, không bao giờ tôi còn được nghe
tiếng hát than vãn tuyệt vọng đến như vậy nữa. Khi đi trên xe tôi hồi hộp.
Sau khi nghe tiếng hát đồng ca, sự hồi hộp chuyển thành dửng dưng. Tôi
chẳng thiết gì nữa. Người ta đẩy chiếc xe lăn của tôi vào bên trong. Hành
lang tối om, bốc mùi ẩm ướt và mang hơi hướm của chuột. Họ đẩy tôi vào
một căn phòng, bỏ đó và đi mất. Một căn phòng không lớn. Tường loang
lổ. Hai chiếc giường sắt và một cái bàn gỗ.
Một lúc sau thầy hiệu trưởng cô nhi viện và một lãnh đạo nhà dưỡng lão
bước vào phòng cùng với bà bảo mẫu. Bà bảo mẫu tôi đoán ra nhờ màu áo
xanh. Bà bảo mẫu lại gần tôi, chăm chú xem xét.
- Ôi trẻ quá! Cái gì thế này! Chuyển tới cả những đứa như thế này ư?
Cái gì thế này? Mất hết cả lương tâm!
Bà ta bỏ đi. Thầy hiệu trưởng cô nhi viện căng thẳng rít thuốc, tiếp tục câu
chuyện bị gián đoạn.
- Dù sao anh cũng nhận chứ? Nhờ anh đấy.
- Anh đừng có nài. Anh hãy hiểu cho tôi. Giờ nó mười sáu tuổi. Phải
không?
- Mười lăm – tôi chỉnh lại một cách vô thức.
- Mười lăm – người đàn ông gật đầu - Ở chỗ tôi, nó sẽ chết sau một
tháng, nhiều nhất là sau hai tháng. Tôi chỉ có quyền chôn những người
không dưới mười lăm tuổi. Đây là nhà dưỡng lão, anh hiểu chứ? Tôi sẽ