Ruben David Gonzalez Gallego
NHỮNG DẢI TRẮNG TRÊN NỀN ĐEN
Dịch giả:Phương Hoài
NGƯỜI CHO ĂN
Các bà già thường chết vào mùa xuân. Họ chết vào bất cứ thời gian nào
trong năm, chết thường xuyên, nhưng chết nhiều nhất chính là vào mùa
xuân. Mùa xuân, trong các căn phòng ấm hơn, mùa xuân, người ta mở
toang cửa sổ và cửa ra vào để không khí trong lành ùa vào cái thế giới ngột
ngạt của trại điều dưỡng. Mùa xuân, cuộc sống được cải thiện. Nhưng họ
ngoan cố níu kéo cuộc sống suốt cả mùa đông, chờ đợi mùa xuân chỉ để
được thả lỏng, để trao mình cho tự nhiên và ra đi thanh thản. Trong nhà
dưỡng lão, các ông già ít hơn nhiều. Họ chết mà không quan tâm gì đến sự
thay đổi của mùa. Họ không cố gắng sống đến mùa xuân. Nếu cuộc sống từ
chối họ ân huệ cuối cùng là chai vodka hay đồ nhắm ngon, họ đi về thế giới
bên kia mà không hề chống cự.
Tôi ngồi trong sân nhà dưỡng lão. Ngồi một mình. Tôi không buồn, tuyệt
nhiên không thấy buồn. Tôi ngắm nhìn mùa xuân. Tôi còn trẻ, tôi tin rằng
sẽ còn sống được trên đời này không chỉ một năm nữa. Đối với tôi mùa
xuân không có ý nghĩa nhiều như đôi với những người già.
Trên cửa xuất hiện một người. Một bà già lọm khọm đang di chuyển, tay
vịn vào lưng ghế. Bằng những động tác giật cục, bà nhấc cả người lên,
thóang đứng trên đôi chân, tay đẩy chiếc ghế lên trước vài phân. Rồi lại
nặng nhọc tì vào ghế, chậm chạp lê đôi chân tới chiếc ghế. Bà nhìn xung
quanh, không nhận ra khuôn mặt quen nào, quả quyết tiến về phía tôi. Lại
một người trò chuyện, lại một câu chuyện nữa. Bà già tới bên tôi, đặt chiếc
ghế đối diện với xe lăn của tôi, chậm chạp và nặng nề ngồi xuống.
Suốt thời gian chiến tranh bà làm việc trong hợp tác xã. Làm việc từ sáng
đến chiều. Không được trả tiền. Chỉ có một mục đích: tất cả cho tiền tuyến,
tất cả để chiến thắng. ngày công lao động được trả bằng gạo tấm. Tấm dùng
để nấu cháo. Chỉ có cháo, không có gì khác. Thậm chí bánh mì cũng
không. Sau chiến tranh có dễ thở hơn - chồng bà trở về khoẻ mạnh và
nguyên vẹn. Bà cùng chồng lên thành phố. Chồng bà lái xe, bà làm việc