NHỮNG DI CHÚC BỊ PHẢN BỘI - Trang 117

tình, trữ tình hóa, diễn từ trữ tình, nhiệt huyết trữ tình là bộ phận không thể
tách rời của cái mà người ta gọi là thế giới toàn trị; thế giới ấy, không phải
là hệ thống trại tập trung, đó là hệ thống trại tập trung mà các bức tường
ngoài được lợp bằng những câu thơ, và trước những bức tường ấy người ta
nhảy múa.
Còn hơn cả khủng bố, trữ tình hóa sự khủng bố đối với tôi đã là một chấn
thương tâm thần. Tôi đã được tiêm chủng mãi mãi miễn dịch đối với mọi
cám dỗ trữ tình. Ðiều duy nhất tôi thèm khát sâu sắc, cháy bỏng bấy giờ, là
một cái nhìn minh mẫn và tỉnh ngộ. Cuối cùng tôi đã tìm thấy nó trong tiểu
thuyết. Chính vì vậy mà đối với tôi, làm một nhà tiểu thuyết không chỉ là
thực thi một "thể loại văn học" trong các thể loại; mà còn là một thái độ,
một sự hiền minh, một lập trường; một lập trường loại trừ mọi sự đồng nhất
hóa với một đường lối chính trị, một tôn giáo, một ý thức hệ, một đạo đức,
một tập thể; một sự phi - đồng nhất hóa có ý thức, được quan niệm không
phải như là lẩn trốn hay thụ động, mà là kháng cự, thách thức, nổi loạn. Tôi
đã đi đến chỗ có những đối thoại kỳ lạ như thế này: "Ông có phải là cộng
sản không, ông Kundera? - Không, tôi là nhà tiểu thuyết." "Ông có phải là
người ly khai không? - Không, tôi là nhà tiểu thuyết." "Ông đứng về phe tả
hay phe hữu? - Chẳng phe nào cả. Tôi là nhà tiểu thuyết."
Từ hồi còn rất trẻ, tôi đã mê nghệ thuật hiện đại, hội họa của nó, âm nhạc
của nó, thơ ca của nó. Nhưng nghệ thuật hiện đại nổi bật lên vì "tinh thần
trữ tình" của nó, vì hệ ý thức về cuộc cách mạng kép, mỹ học và chính trị,
của nó, và tất cả những thứ đó, dần dà, tôi căm ghét chúng. Tuy nhiên sự
hoài nghi của tôi đối với tinh thần tiền phong chủ nghĩa không thể làm thay
đổi chút nào tình yêu của tôi đối với các tác phẩm của nghệ thuật hiện đại.
Tôi yêu chúng và tôi càng yêu chúng hơn khi chúng là những nạn nhân đầu
tiên của các cuộc đàn áp kiểu Stalin; Cenek, trong cuốn Lời nói đùa bị tống
đến một trung đoàn trừng giới vì anh yêu hội họa lập thể; hồi ấy, là như vậy
: cách mạng đã quyết coi nghệ thuật hiện đại là kẻ thù số một của nó ngay
cả khi các nhà hiện đại chủ nghĩa tội nghiệp chỉ mong muốn ca ngợi và
biểu dương nó; tôi sẽ không bao giờ quên được Konstantin Biebl: một nhà
thơ cao nhã (ôi, tôi đã thuộc lòng biết bao nhiêu câu thơ của ông), là người

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.