NHỮNG DI CHÚC BỊ PHẢN BỘI - Trang 153

của họ, và cố hình dung ra họ trước mắt ta. Nếu ta đọc cuốn Vụ án như vậy,
ngay từ đầu ta tò mò vì cách phản ứng kỳ lạ của K. trước việc bị kết tội:
chẳng làm gì sai trái cả (hay chẳng biết mình đã làm gì sai trái), K. bắt đầu
cư xử như mình có tội. Anh tự thấy có tội. Người ta đã làm cho anh có tội.
Người ta đã tội lỗi hóa anh.
Ngày trước, giữa "có tội" và "tự cảm thấy có tội", ta chỉ thấy có một mối
quan hệ rất đơn giản. Kẻ nào có tội thì tự cảm thấy mình có tội. Quả vậy,
"tội lỗi hóa" là một từ tương đối mới; trong tiếng Pháp nó được dùng lần
đầu tiên năm 1966 nhờ có khoa phân tâm học và những sự đổi mới về thuật
ngữ của nó; thể từ phái sinh từ động từ đó, ("sự tội lỗi hóa") được đặt ra hai
năm sau, năm 1968. Song, rất lâu trước đó, cái tình thế đến lúc bấy giờ còn
chưa được thăm dò của sự tội lỗi hóa đã được trình bày, mô tả, phát triển
trong cuốn tiểu thuyết của Kafka, trên nhân vật K. và ở các giai đoạn phát
triển khác nhau của sự tội lỗi hóa ấy:
Giai đoạn 1: đấu tranh vô vọng vì thanh danh bị mất.
Một người bị kết tội một cách phi lý và còn chưa nghi ngờ gì về sự vô tội
của mình, cảm thấy khó chịu khi thấy mình cư xử như là có tội. Cư xử như
có tội, mà không có tội, là một điều gì đó nhục nhã, đấy là cái anh ta cố che
giấu đi. Tình thế đó được trình bày trong cảnh thứ nhất của cuốn tiểu
thuyết, ở chương tiếp sau được cô đặc lại trong câu chuyện đùa cực kỳ mỉa
mai này:
Một giọng nói lạ gọi điện thoại cho K.: anh sẽ bị thẩm vấn vào ngày chủ
nhật tại một ngôi nhà ở một khu ngoại ô. Không chần chừ, anh quyết định
đi đến đó; vì tuân lệnh? vì sợ? không đâu, guồng máy tự lừa phỉnh hoạt
động một cách tự động: anh muốn đi đến đó để mau chóng chấm dứt mọi
chuyện với bọn quấy rầy làm mất thời giờ của anh vì cái vụ án ngốc nghếch
này ("vụ án đang hình thành và phải đối mặt với nó, cho cái phiên đầu tiên
này cũng là phiên cuối cùng đi"). Một giờ sau, ông giám đốc của anh mời
anh đến chỗ ông cũng đúng vào ngày chủ nhật ấy. Lời mời này quan trọng
đối với đường công danh của K. Vậy anh sẽ từ chối cái lệnh triệu tập thô lỗ
kia chăng? Không; anh từ chối lời mời của ông giám đốc bởi vì, không
muốn tự thú nhận, anh đã bị vụ án chinh phục.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.