hước! Vị bác sỹ của tôi là hư cấu! Không nên coi đó là chuyện quá nghiêm
túc như vậy! Vậy thì, ông ta ngờ vực bảo tôi, các tiểu thuyết của ông,
không nên coi chúng là nghiêm túc ư? Tôi lúng túng, và đột nhiên, tôi hiểu
ra: chẳng có gì khó hơn là làm cho người ta hiểu cái hài hước.
Trong Quyển bốn, có một cảnh bão tố giữa biển. Mọi người đổ lên boong
tàu, cố tìm cách cứu con tàu. Chỉ riêng Panurge, run sợ đến đờ ra, chỉ biết
than thở: những lời than thở đẹp đẽ của anh trải dài suốt nhiều trang. Bão tố
vừa dứt, anh lấy lại can đảm ngay và anh mắng rủa mọi người lười biếng.
Và điều này mới lạ: cái anh chàng hèn nhát, lười biếng, dối trá, rởm đời ấy,
không những chẳng khiến ai phẫn nộ, mà chính lúc anh ba hoa, khoác lác
đó ta càng yêu anh hơn. Ðấy là những đoạn cuốn sách của Rabelais trở
thành tiểu thuyết một cách toàn vẹn và cơ bản nhất: tức là: nơi sự phán xét
đạo đức được treo lại.
Treo phán xét đạo đức lại không phải là sự vô đạo đức của tiểu thuyết, đấy
chính là đạo đức của tiểu thuyết. Cái đạo đức chống lại thói quen bất trị của
con người cứ muốn phán xét tức thì, lúc nào cũng phán xét, phán xét mọi
người, phán xét trước và chẳng cần hiểu. Cái lối hăm hăm sùng đạo phán
xét đó, trong cái nhìn hiền minh của tiểu thuyết, là sự ngu xuẩn đáng ghét
nhất, cái ác độc hại nhất. Không phải nhà tiểu thuyết tuyệt đối phủ nhận
tính hợp pháp của sự phán xét đạo đức, nhưng anh ta đưa nó ra bên ngoài
tiểu thuyết. ở đấy, nếu anh thích, cứ đi mà buộc tội Panurge hèn nhát, buộc
tội bà Bovary, buộc tội Rastignac, đấy là việc của anh; ở đấy nhà tiểu
thuyết chẳng làm gì được.
Việc sáng tạo ra trường tưởng tượng nơi sự phán xét được treo lại là một
chiến công có tầm quan trọng mênh mông: chỉ ở đấy mới có thể bừng nở
các nhân vật tiểu thuyết, tức là những cá thể được hình thành không phải
tùy thuộc những chân lý có trước, như là những hình mẫu của cái thiện hay
cái ác, hay như những đại diện của các quy luật khách quan chạm trán với
nhau, mà như những sinh thể tự trị tồn tại trên chính đạo lý của riêng
chúng, trên những quy luật của riêng chúng. Xã hội phương Tây có thói
quen tự coi mình là đại diện cho các quyền con người; nhưng trước khi một
con người có thể có các quyền, thì nó phải tự mình là cá thể đã, tự coi mình