NHỮNG DI CHÚC BỊ PHẢN BỘI - Trang 81

Nhận xét về sự đồng nghĩa hóa triệt để
Nhu cầu dùng một từ khác thay cho một từ hiển nhiên hơn, giản dị hơn,
trung tính hơn (ở - đâm sâu; đi - bước đi; lướt qua - đào bới) có thể gọi là
phản xạ đồng nghĩa hóa - phản xạ của gần như tất cả những người dịch. Sẵn
một kho dự trữ lớn các từ đồng nghĩa, là kỳ tài của "văn chương trang nhã";
nếu trong cùng một đoạn của bản gốc có hai lần từ "nỗi buồn", người dịch,
bực mình vì sự lặp lại (bị coi là gây tổn hại cho vẻ trang nhã văn phong bắt
buộc phải có), sẽ có xu hướng dịch từ thứ hai bằng "nỗi u sầu". Nhưng lại
còn hơn thế nữa: nhu cầu đồng nghĩa hóa đó ăn sâu trong tâm hồn người
dịch đến đỗi anh ta sẽ chọn ngay tức thì một từ đồng nghĩa: anh sẽ dịch là
"nỗi u sầu" nếu trong bản gốc viết "nỗi buồn", anh sẽ dịch là "nỗi buồn" khi
gặp từ "nỗi u sầu".
Hãy thừa nhận không chút mỉa mai: tình thế của người dịch cực kỳ tế nhị:
anh phải trung thành với tác giả và đồng thời lại vẫn muốn (có ý thức hay
không có ý thức) ghi dấu sự sáng tạo của riêng mình lên văn bản; như để tự
cổ vũ mình, anh chọn lấy một từ rõ ràng không phản lại tác giả tuy nhiên
lại do chính anh khởi xướng. Lúc này tôi nhận ra điều đó khi tôi xem lại
bản dịch một bài viết nhỏ của tôi: tôi viết "tác giả", người dịch dịch là "nhà
văn"; tôi viết "nhà văn", anh dịch "nhà tiểu thuyết"; tôi viết "nhà tiểu
thuyết", anh dịch "tác giả"; khi tôi nói "câu thơ", anh dịch "thơ ca"; khi tôi
nói "thơ ca", anh dịch "những bài thơ". Kafka nói "đi", những người dịch:
"bước đi". Kafka nói "không một thành phần nào", những người dịch:
"không có gì của các thành phần", "chẳng có gì chung", "không có đến một
thành phần". Kafka nói "có cảm giác đi lạc", hai người dịch nói "cảm thấy
cảm tưởng...", trong khi người thứ ba (Lortholary) dịch (một cách chính
đáng) sát từng chữ và do đó chứng tỏ rằng việc thay "cảm giác" bằng "cảm
tưởng" chẳng cần thiết chút nào. Lối đồng nghĩa hoá này có vẻ vô tội,
nhưng tính triệt để của nó không thể không làm suy yếu tư tưởng gốc. Với
lại, quái nhỉ, tại sao lại phải làm vậy? Tại sao không nói "đi" nếu tác giả nói
"gehen"? Ôi, thưa các vị dịch giả, xin đừng có lắp đít bằng kiểu từ đồng
nghĩa [1] chúng tôi!

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.