“Và chúng ta sẽ đi theo bố.” Angie dẫn mẹ đi đến khu vực hẹp, nơi
người ta phục vụ món cocktails. Xô đẩy qua đám đông, cô gọi hai ly vang
trắng. Tay cầm cốc, cô và mẹ nhấm nháp rượu vang và đi lòng vòng trong
sảnh, ngắm nghía gian phòng thếp vàng theo phong cách baroque.
Lúc bảy giờ năm mươi, đèn tắt.
Họ vội vã đi vào chỗ của mình ở hàng thứ tư và ngồi xuống. Nhà hát đầy
những âm thanh khe khẽ, tiếng rì rầm, tiếng bước chân, mọi người vào chỗ
ngồi trong dàn nhạc.
Rồi buổi biểu diễn bắt đầu.
Trong một giờ đồng hồ tiếp theo, khán giả ngồi đó, cuốn hút bởi câu
chuyện đẹp mà buồn đang diễn ra. Vào giờ giải lao, khi ánh đèn nhà hát bật
lên, Angie quay sang chỗ mẹ. “Mẹ nghĩ thế nào?”
Mẹ đang khóc.
Angie hiểu. Âm nhạc khiến ta như thế; nó giải tỏa cảm xúc sâu kín nhất
của ta.
“Bố hẳn là sẽ rất thích vở kịch này,” mẹ nói. “Rồi thì mẹ sẽ phát chán vì
nghe đĩa.”
Angie chạm vào bàn tay mềm như nhung của mẹ. “Mẹ sẽ kể tất cả cho
bố nhé.”
Mẹ quay về phía cô. Cặp kính lỗi thời phóng đại cặp mắt sẫm màu và
đẫm lệ của bà. “Bố chẳng nói chuyện với mẹ nhiều nữa rồi. Ông ấy bảo,
“đã đến lúc rồi, Maria.” Mẹ không biết một mình thì sẽ xoay xở thế nào.”
Angie biết rất rõ về nỗi cô đơn. Nó làm ta đau đớn, đôi khi nhiều hơn sức
chịu đựng của ta, nhưng không thể nào tránh được nó. Phải tiếp tục sống
cho tới khi nó qua đi. “Mẹ không bao giờ cô độc đâu, mẹ ạ. Mẹ có con, có
cháu, có bạn bè và gia đình mà.”
“Không giống nhau mà.”
“Vâng.”
Miệng mẹ rũ xuống buồn bã. Họ ngồi đó, lặng thinh, nhớ lại, cho tới khi
mẹ nói. “Con có thể lấy đồ uống gì đó cho mẹ được không?”