đang tiến hành nhiều công kích vào các quan điểm của Từ Chi về làng xã, cần điều chỉnh
lại đôi chút. Và rõ ràng, “giáp” cần phải được đặt lại trong những ý nghĩa khác nữa.
Tuy nhiên, chỗ khác thấy ghi nhận sự kiện, nếu người chồng là thủ lĩnh qua đời, bà
lang góa lại nắm giữ một quyền lực cực lớn trong tộc người (Cuisinier 1995: 387; Lê Thị
Nhâm Tuyết 1973: 54; Nguyễn Văn Ngọc 1925). Việt Nam thời Lý, Trần theo phân tích
của Momoki Shiro, khi mà gia đình phụ hệ chưa hình thành một cách chặt chẽ, cả hai phía
mẫu hệ và phụ hệ đều có ảnh hưởng đến vương quyền (Momoki 2000, 2009). Nói tóm lại,
Việt Nam trước Hán hóa hay nam quyền hóa quyết liệt vào thế kỷ XIV, gần gũi với mô hình
Đông Nam Á - mô hình song song phụ hệ và mẫu hệ. Bên cạnh quyền lực người đàn ông
còn thừa nhận địa vị rất quan trọng của người phụ nữ trong xã hội. Vậy, một hệ quả đưa lại
từ phân tích của Momoki, cấu trúc quyền lực và xã hội Việt Nam thời Lý - Trần gần gũi với
người Mường hơn là sau thời Lê sơ.
Ở chỗ này, cần lưu ý, dẫu sao những tiến hành so sánh như vậy cũng chỉ mang
tính tương đối. Dù khác nhau ít nhiều, nhưng các tộc người Việt, Mường, Tày, Thái,
H’mông đều có chỗ thống nhất khi bà vợ góa thủ lĩnh thường có một địa vị chính trị, quân
sự là rất lớn trong tổ chức quyền lực tộc người. Các tộc người ở “thế giới miền núi” Việt
Nam, do vậy, liên kết thành một tổng thể mang những đặc thù là khá thống nhất nếu so
sánh với thế giới Hán hóa thường xuyên đe dọa an nguy của họ. Bonifacy chính là dân tộc
học quan trọng đầu tiên đã nhìn thấy cấu trúc chung của các tộc người miền núi Việt Nam
nhìn từ địa vị người phụ nữ, nên rất sớm ông đã cho biết người đàn bà Việt nam nói chung,
Việt cũng như miền núi Việt Nam hưởng nhiều quyền tự do, và địa vị họ cao hơn hẳn người
phụ nữ Trung Quốc (Bonifacy 1925, 2004: 8). Phát hiện sớm của Bonifacy, sau này, là chủ
đề được phát triển sâu sắc hơn ở các nghiên cứu lớp hậu bối trong cũng như ngoài Việt
Nam.
Ở đây, tôi nhớ đến ít nhất là hai cái chú thích quan trọng của Doãn Thanh: 1/
“Trong xã hội người Mèo, đàn ông làm các việc do vợ điều khiển” (1967: 40), 2/ “Tập quán
của người Mèo, phụ nữ cai quản việc gia đình, sai phái chồng làm các công việc, nhất là
công việc nặng nhọc” (1967: 55). Mang theo ý kiến của Doãn Thanh lên thực địa, thăm hỏi
nhiều lần, ở nhiều vùng, tôi chứng thực nhận định của ông là chính xác.
Điều đã từng là phổ biến trong xã hội truyền thống H’mông này, ngày nay, trước
sự xuất hiện ồ ạt của vải công nghiệp Trung Quốc với giá rẻ mạt ở thị trường vùng cao
(thời điểm năm 2011, tôi mua tặng bạn gái giá chỉ 100.000 ngàn đồng/bộ “váy H’mông
Tàu” ở chợ phiên Đồng Văn cũ). Sản xuất vải lanh truyền thống, vì thế, chỉ còn tồn tại rải
rác (Gu Wenfeng-Clarke 2000).