NHỮNG ĐỈNH NÚI DU CA - Trang 304

chẳng ẩn chứa những bi kịch cho đời người nữ bị áp chế; vấn đề đặt ra, cần nhận thấy yếu
tố nhân bản của cùng một cấu trúc xã hội. Từ đó, mọi nhận định về tộc người mới đáng trở
nên khả tín.
Trong xã hội truyền thống của H’mông ngoài những sự kiện bị ngược đãi, người phụ nữ
cũng được tôn trọng và tự do đáng kể, có phần nhiều hơn cả người phụ nữ ở nông thôn
người Việt. Những phần về sau của nghiên cứu này, chính là một tiếp tục để làm sáng thêm
thân phận người phụ nữ H’mông trong cấu trúc xã hội mà họ thuộc về.

[105]

Bạc mới thực là quan trọng chứ không phải tiền, hay vàng. Sống ở nơi biên địa

nhiều quốc gia mà nền chính trị luôn bất ổn, dễ đổi thay, các tộc người vùng cao rất e ngại
khi phải sử dụng tiền giấy, hay tiền tệ nói chung, bởi, chỉ với một cuộc đảo chính thành
công thôi thì đồng tiền giấy luôn gắn với một thể chế quốc gia cụ thể đã trở nên vô nghĩa.
Ngoài ra, giá trị an toàn kinh tế và thương mãi của bạc luôn rất cao. Bạc đầu thế kỷ XX,
trong mạng lưới thương mãi của các chính quyền thuốc phiện đa quốc gia và khu vực, mà
trong đấy, người H’mông là một mắt xích lớn, được coi như một đơn vị tiền tệ được chấp
nhận chung giữa các nguồn luân chuyển thuốc phiện phi chính phủ. Ví dụ năm 1773, giá
qui đổi một rương thuốc phiện của Công ty Đông An có thể từ 140 đến 350 lạng bạc. Cuối
thế kỷ XVIII, so với tiền đồng Trung Quốc, 1 lượng bạc đổi 7 hoặc 8 trăm tiền đồng; đầu
thế kỷ XIX, đổi được trên dưới 1000 tiền đồng; từ 1821 - 1833, từ 1200, 1300 đến trên
1600 tiền đồng; trong vòng 40 năm giá bạc nén tăng gấp đôi [Hồ Bạch Thảo (b)]. Như vậy,
trong cái Zomia giáp ranh biên giới Việt-Trung có vùng người H’mông, bạc hiển nhiên
được lựa chọn như là một thứ siêu tiền, tính ổn định của bạc so với đồng tiền quốc gia đã
góp vào duy trì hữu hiệu nền kinh tế hoạt động theo các nguyên tắc thỏa thuận ngầm,
thường là song phương của các nhóm lợi ích mang màu sắc tộc người ở vùng phi chính phủ
núi và biển. Người H’mông với lịch sử lưu vong, liên tục phải di cư, nên kinh nghiệm phi
chính phủ cho họ hiểu rằng, chỉ có bạc, thứ mà ở bất cứ vùng đất nào cũng còn nguyên giá
trị mới là một tiền tệ an toàn nhất cho cuộc sống biến động. Hơn nữa, không phải là vàng
mà là bạc bởi vì điều này còn liên quan đến thẩm mỹ tộc người. Người H’mông (hay kể cả
Dao, Thái, Tày, Nùng,...) đều ưa thích những món trang sức lớn, bởi thế, vàng không thể đủ
để đáp ứng, và thêm, thời gian mưa nắng khắc nghiệt vùng biên địa vàng rất dễ trở nên xỉn
màu. Đồng thời, còn phải nói thêm, trang sức lớn vòng đeo cổ còn là một thứ ma thuật, bùa,
một thứ “khóa” giữ hồn ở lại trong cơ thể, là kinh nghiệm thẩm mỹ thần bí của nhiều tộc
người. Một lợi ích thiết thực nữa của bạc là về y học nhằm tránh gió, giải cảm hữu hiệu.
Trang sức bạc (hay đồng) còn được sử dụng như một tri thức bản địa để dự đoán thời tiết.
Bạc khi có màu thẫm dự báo trời mưa, khi có màu sáng dự báo trời nắng. Đồng chuyển
màu đen thì dự báo trời mưa, chuyển màu vàng sáng dự báo trời nắng. Ở chỗ này, ta được
chứng kiến cái lợi ích thế tục và thẩm mỹ, văn hóa đã hòa vào nhau.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.