Hall thừa nhận luận điểm mạch lạc về các đặc điểm của nền văn minh Đông Nam
Á từ kiến giải của Coedès như sau: “về mặt vật chất thì (i) cày cấy trên những đồng lúa
nước, (ii) thuần dưỡng trâu bò, (iii) sử dụng kim loại thô sơ, và (iv) có kỹ năng về đi biển;
về mặt xã hội thì (i) tầm quan trọng của phụ nữ và của dòng dõi theo mẫu hệ, và (ii) tổ chức
theo chế độ canh tác lúa nước; về mặt tôn giáo thì (i) thuyết vật linh (NMT in đậm nhấn
mạnh), (ii) thờ cúng tổ tiên và thần đất, (iii) đặt đền thờ miếu mạo ở nơi cao, (iv) chôn vào
vại sành hay trong đài đá, và (v) thần thoại thấm nhuần thuyết nhị nguyên về vũ trụ”. Sau
này, "Krom đã bổ sung thêm vào danh sách của Coedès các điểm sau đây: (i) wayang, hay
là nghệ thuật sân khấu múa rối bóng, (ii) dàn nhạc gamelan và (iii) nghề dệt vải có in hoa
batik” (Hall 1997: 27-28).
Điều này không chỉ đúng với người H’mông, nó còn là mẫu khá chung với nhiều
tộc người phụ hệ. Trong tiểu thuyết viết đầu thế kỷ XX về miền núi Việt Nam, nhà địa chất
viết văn nhiều oan khuất Herbert Wild đã mô tả rất sinh động về cảnh đôi co giá cả đầy
lạnh lùng về việc ngã giá mua cô vợ người Tày của một người Pháp (Wild, 2005, tr.47-56).
Thực ra, vào thời điểm đầu thế kỷ trước, thì tuổi kết hôn như vậy là tương đối
bình thường ở nhiều tộc người, chỉ hơi sớm đối với phụ nữ H’mông (Lemoine 1972). Janne
Cuisinier dẫn theo Diguet cho biết, luật người Annam cho phép con gái 12, con trai 14 là có
thể kết hôn, đến đời Lê đổi thành gái 16, trai 18 là tuổi lập gia đình, người Mường thì con
gái ra ở riêng khoảng 16 hay 17 tuổi (Cuisinier 1995: 354, 355).
Jix pox niêv: Viết theo phát âm của người H’mông trắng
Jix pux nau: Viết theo phát âm của người H’mông hoa
Thật khó chuyển dịch cho sát nghĩa Truz pox niêv, bởi trong tiếng H’mông jix
cũng có nghĩa là kéo mà truz cũng có nghĩa là kéo, nên cả hai trường hợp đều dịch sang
tiếng Việt là kéo vợ. Tuy thế, khi tra các từ điển (Nguyễn văn Chỉnh 1965; 1971; Cư Hòa
Vần 2001; ) và kiểm chứng qua thăm hỏi thực địa thì trong tiếng H’mông vẫn có sự phân
biệt jix và truz bởi sắc thái ý nghĩa khác nhau của hai hình thức “kéo” : jix là kéo nhưng
theo kiểu dìu, níu (dùng mời khách mang tính lịch sự), còn truz là lôi kéo mang ý nghĩa
không lịch sự như khi dùng jix.
Như thế, sẽ dễ gây ra sự hiểu lầm khi dịch ra tiếng Việt bởi cùng một nghĩa kéo, trong khi,
ở tiếng H’mông Truz pox niêu và Jix pox niêv dù khá tương đồng vẫn có chỗ khác biệt tinh
tế. Vì thế, tôi đành phải chọn cách dịch Truz pox niêv và Jix pox niêv là kéo vợ. Tuy thế,
cần lưu ý Truz pox niêv hình thức kéo vợ một đêm, để chơi bời, phân biệt với Jix pox niêv là
kéo vợ nghiêm túc, Về ăn ở với nhau cả đời.
Bằng vốn tiếng H’mông kém cỏi của mình, tôi đã không thể xử lí tốt sự phức tạp khi phân
tích ngôn ngữ hiện tượng này nếu không nhận được chỉ bảo và thảo luận của các trưởng lão