khư ha ta”. Âm “he te” hay “ha ta” không phải tiếng H’mông mà có lẽ ảnh hưởng lối phát
âm tiếng Tày.
Ngoài ra, cụ Ma Khái Sò còn cho biết thêm, vào thời điểm ấy, xuất hiện một bà
thầy thuốc người H’mông di cư từ Trung Quốc sang, mang theo một phương thuốc hữu
hiệu trị giang mai. Chi tiết này, là rất quan trọng và đáng chú ý để hiểu thêm về vai trò
người phụ nữ H’mông nắm giữ nền dược học tộc người. Theo Phạm Đức Dương: “Người
phụ nữ Mèo trong quá trình du canh du cư, sau lưng bà ta là cả một vườn thuốc được mang
theo trong gùi, và chỉ ở người Mèo mới có “mo dâu” (thầy thuốc) “là phụ nữ” (Phạm Đức
Dương 2000: 54). Nhận định của Phạm Đức Dương “chỉ ở người Mèo mới có “mo dâu”
(thầy thuốc) “là phụ nữ” là không chính xác, bởi ở các tộc người ở Việt Nam, ghi nhận khá
nhiều dữ kiện cho biết người phụ nữ là thầy thuốc. Thực địa vùng người Dao đỏ ở thôn
Tâng - Chiêm Hóa - Tuyên Quang, tôi ghi nhận được dữ kiện trong cộng đồng có các bà
lang. Người Mường cũng cho biết có xuất hiện các bà lang [về bà lang Mường, làm tôi nhớ
đến mế Thường với các phương thuốc bí truyền về nạo phá thai được kể trong tiểu thuyết
Hoa hậu xứ Mường đậm đặc chất dân tộc chí (Phượng Vũ 1984)]. Như vậy, việc người phụ
nữ có địa vị trong nhiều mặt đời sống xã hội, ở đây là dược học tộc người, có ở người
H’mông và các tộc người khác càng làm rõ thêm nhận định về sự thừa nhận vai trò quan
trọng của người phụ nữ - một đặc điểm lớn được biết đến từ lâu nhắm xác lập “thế giới
Đông Nam Á”.
Giả thuyết trên của tôi, không loại trừ quan niệm chợ tình như biến thể của lễ hội
mùa xuân phổ biến khắp các tộc người châu Á gió mùa, mà bản chất là một thứ ma thuật
tính dục, kích thích sinh trưởng phát triển mùa màng - điều được Frazer miêu tả kỹ lưỡng.
Những trao đổi với học giả Đỗ Lai Thúy gợi đến thêm một giả thuyết, theo đó, chợ tình
được hiểu như sự “thoái lùi” về thời quần hôn của tộc người. Trên khắp bề mặt thế giới,
vào thời quần hôn của bầy người nguyên thủy, sau đó chuyên sang giai đoạn kết đôi vợ
chồng nhưng loài người vẫn “nhớ”, “qui hồi” về thời kỳ tính giao tự do trong vô thức tập
thể. Chính thế mà, trong các thời kỳ sau này vẫn diễn ra hình thức “lại giống nguyên thủy”
dưới nhiều hình thức, ví dụ sự kiện Thẩm Lé nổi tiếng của người Thái, hay như các lễ hội
phồn thực mà trong một thời khắc nhất định hoạt động tính giao được “xả láng”, đứa con
nếu có thì là “con Thánh” và cả làng sẽ lấy làm vinh hạnh nuôi dưỡng... Chợ tình của các
tộc người vùng cao cũng có thể là một hình thức “lại giống”, “thoái lùi” về thời quần hôn
nguyên thủy? Quan điểm này của Đỗ Lai Thúy, như thế, làm gợi nhắc đến quan điểm
Morgan, Engels.
Tuy thế, ta hiểu nhận định này là tương đối, và trở nên lỏng lẻo khi quan sát về
nước Việt Nam trong quá khứ, bởi có thông tin cho biết cơ cấu dân cư của nước Đại Việt
trước đây, sự chênh lệch giữa người Việt và người thiểu số là không lớn đến mức áp đảo