NHỮNG ĐỈNH NÚI DU CA - Trang 316

[163]

Trường hợp Lã Văn Lô là thú vị. Lã Văn Lô, người mà Condominas xem như

“một trong những chuyên gia Việt Nam xuất sắc”, nhưng lại nhầm ông là người Thái
(Condominas 1997: 283)(!). Lã Văn Lô là người Tày Lạng Sơn, người từng đi thi chức tri
châu và “đỗ vớt”, được cử giữ chức tri châu vùng Hữu Lũng - Bắc Giang dưới chế độ thực
dân Pháp. Lã Văn Lô đã để lại một hồi kí thú vị, trong đó đoạn miêu tả việc thi quan chức
dưới thời chính quyền Pháp đầy tệ đoan với nạn chạy điểm (đọc xưa mà nghĩ đến nay!). Từ
đó, cho thấy bộ máy hành chính người Pháp dựng lên ở vùng tộc người, mà chức tri châu là
cao nhất chỉ đơn giản chức vụ hành chính. Điều ấy hẳn là khác hoàn toàn với chức tri châu
do thổ ty Tày nắm giữ, bởi căn cước “thổ ty” với tộc người không chỉ có quyền lực về thế
tục mà cả sự thần thiêng. [Về hồi ký của Lã Văn Lô, có thể xem ở nguồn:
http://www.donghola.info. Tiếc là trong hồi ký này, ông Lô đã không cho biết gì về hoạt
động dân tộc học rất đáng kể của mình.]

[164]

Về nguồn gốc linh thiêng của quằng/quăng/quẵng/quặng, đã có tư liệu nói tới

trong các huyền thoại liên quan (Nguyễn Tuấn Liêu 1962). Quằng mà như Từ Chi (1996)
đã phải than thở, chẳng có bất kỳ công bố đáng kể nào, lại có sức tồn tại dai dẳng bất ngờ.
Ở đây, tôi lưu ý đến một sự kiện được ghi nhận ở Nà Liềm, xã Thượng Lâm, huyện Lâm
Bình, tỉnh Tuyên Quang - vùng được xác định là hẻo lánh nên chế độ quăng (cách gọi của
dân bản địa) trước 1945 còn tồn tại rõ nét hơn các nơi khác. Ở Nà Liềm, thời điểm 2014 tôi
đến thăm hỏi, vẫn còn tồn tại miếu thờ quăng. Những miếu thờ quăng cũng tồn tại phổ biến
ở nhiều nơi khác trong vùng. Lễ lồng tồng hàng năm, người nhà quăng vẫn phải đại diện
cho ma quăng đến ngồi ghế danh dự chứng kiến lễ lồng tồng - có như vậy nghi lễ nông
nghiệp này mới trở nên hợp lệ và ứng nghiệm. Hậu duệ quăng, ông Ngô Thế Thượng giờ
đây đã như bao người dân thường nghèo khó, nhưng nguồn gốc quăng (từ Sơn Tây lên cai
trị) đã làm cho ông thành một người đặc biệt. Sự hiện diện của ông trong các nghi lễ tôn
giáo chứng thực cho sức mạnh của tín ngưỡng quăng. Thần quyền ma quăng còn tồn tại
mạnh mẽ trong cộng đồng cư dân Tày đến tận ngày nay. Ngay đến lễ cấp sắc (Chánh ngũ
phẩm đương triều) của người chủ trì nghi lễ tôn giáo cao tay nhất vùng, thầy Ma Thanh
Điền cũng phải có sự chứng kiến và xác nhận của ma quăng qua hậu duệ là ông Thượng thì
mới ứng nghiệm. So với lang, đạo (Mường), phía, tạo (Thái), quăng của người Tày được
biết đến là tồn tại mờ nhạt hơn rất nhiều trong tư liệu thế tục để lại, nhưng quyền uy về tôn
giáo, tín ngưỡng thì chưa biết thiết chế nào tác động mạnh mẽ đối với người dân hơn?

[165]

Như thăm hỏi của tôi ở Châu Đại Man xưa, nay là Na Hang - Lâm Bình - Tuyên

Quang, thổ ty và quằng là một, thổ ty là cách gọi theo tiếng Hán, còn quằng là gọi theo
tiếng Tày.

[166]

Cũng chính nông dân Bảo Lạc, có lúc đã bất tuân mà giết chết thổ ty Nông Hồng

An. Sở hữu con người của thổ ty Tày, vì thế, vẫn là không tuyệt đối.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.