Dù là xuất phát từ điểm nào để nhìn lịch sử người H’mông, và lịch sử người H’mông
Việt Nam thì nhà dân tộc học - “nhà chép sử của tộc người” như cách gọi của Condominas
đều phải đi đến một nhận định chung về số phận người H’mông là số phận lưu vong. Đứng
trước vấn đề lịch sử vô cùng phức tạp này, nhiều lúc thiết nghĩ, tốt hơn cả là nên chọn thái
độ an toàn của Jean Michaud: “Tôi sẽ không cố gắng giải nghĩa người H’mông là ai trong
bài viết này, ngay cả người H’mông ở Việt Nam, bởi vì đó là việc làm không thực tế và có
lẽ mang nặng những giả định về bản chất” (Michaud 2010: 42). Đã một thế kỷ trôi qua,
phần lớn những hiểu biết lịch sử các tộc người thiểu số Việt Nam vẫn là những phỏng đoán
mang tính giả thuyết, thậm chí là những giả thuyết khá yếu ớt và khiên cưỡng. Hiểu biết về
người H’mông nói chung, lắm khi vẫn không vượt ra ngoài những đoán định sử học tương
đối mơ hồ, hoặc là thứ huyền sử suy diễn. Mặc dù, biết rằng tốt hơn cả trong lúc này nên
chọn thái độ của Michaud, khi chưa hội đủ điều kiện khả giải thì không nên khơi lại mối tơ
vò vẫn chưa lần ra mối tháo. Nhưng tôi cũng lại thấy rằng việc trình bày lại những khó
khăn, những giả thuyết về lịch sử H’mông ở Việt Nam vẫn cần thiết. Bởi, nó cần theo một
cách khá đặc biệt, lần mò từ trong bóng tối cái khó khăn, chúng ta sẽ nhận thấy phải thận
trọng với những nhận định dân tộc học có tính đơn giản hóa vấn đề, hoặc trái lại đẩy đi quá
xa những giả thuyết. Nhưng rồi, chung kết lại, tôi vẫn hy vọng, từ trong mớ hỗn độn của
đống chi tiết rời rạc, có thể nhìn thấy cái cơ cấu chung.
Thử khảo một cách khái quát vấn đề quan trọng: lịch sử người H’mông ở Việt Nam.
Trong mối bòng bong những quan niệm, tôi nhặt ra hai hệ thống ý kiến chính yếu:
[a] Nhóm ý kiến thứ nhất gom vào Giả thuyết người H’mông vào Việt Nam sớm nhất
khoảng trên dưới 300 năm (trải dài với ba giai đoạn di dân vào Việt Nam). Tôi gọi là
thuyết ba thời kỳ. Thuyết này gắn với tên tuổi nhà dân tộc học Lâm Tâm. Người mà ngày
nay gần như vô danh, dù phần đa số vẫn sử dụng kiến thức về di dân H’mông của ông. Lâm
Tâm đã đề cập đến ba thời kỳ lớn người H’mông di dân sang Việt Nam, một cách rất chi
tiết và khá sớm vào năm 1961. Trong Lịch sử di cư và tên gọi người Mèo (1961), Lâm Tâm
viết:
“Người Mèo ở Trung-quốc di cư sang nước ta có ba thời kỳ đông nhất:
Thời kỳ đầu tiên khoảng 14, 15 đời (độ trên dưới 300 năm), có độ 80 gia đình người Mèo ở Quí-châu
di cư sang. Như gia đình họ Lù, họ Giàng ở Lũng-cẩm, xã Sùng-là và một số họ khác cũng ở chưng trong
huyện Đồng-văn (tỉnh Hà-giang) Khu tự trị Việt-Bắc. Đối chiếu với sử liệu Trung-quốc thì đợt di cư này,
tương ứng với phong trào của người Mèo ở Quí-châu chống chính sách "cải thổ qui lưu"
bị thất bại. Phong
trào đấu tranh kéo dài từ cuối đời nhà Minh cho đến đầu nhà Thanh (từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18). Huyện
Đồng-văn có thể nói là địa phương nguôi Mèo ở Trung-quốc di cư sang nước ta sớm hơn các địa phương
khác.