Việt Nam khoảng 300 năm trước, một số truyện kể bản mường Thái có ghi chép sự có mặt
của người Mèo và cả Dao ở Tây Bắc cuối thế kỷ XVIII (Bế Viết Đẳng 1973: 25). Nhà dân
tộc học “bách khoa” Đặng Nghiêm Vạn căn cứ vào sự kiện sử liệu, mãi cho đến đầu thế kỷ
XIX Đại Nam Thực Lục mới thấy ghi chép về người H’mông. Nên cụ thể, người H’mông
có mặt ở Việt Nam khoảng trên dưới 200 năm. Quan điểm của Đặng Nghiêm Vạn được
Nguyễn Xuân Kính và các tác giả làm bộ Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số
Việt Nam chấp nhận và dẫn theo (Đặng Nghiêm Vạn 2003: 305; 2007: 499). Nhà Mường
học danh tiếng Từ Chi, thận trọng như thường thấy, chỉ cho biết người H’mông là tộc đến
Việt Nam muộn nhất (Nguyễn Từ Chi 2003: 212). Nhà Thái học có thẩm quyền về ngành
Thái đen Cầm Trọng thì lại cho biết cả nhóm H’mông - Dao mới đến nước ta khoảng thế kỷ
XVII - XVIII (Cầm Trọng 1978: 43-44). Bình Nguyên Lộc người mà Tạ Đức gọi là “nhà sử
học không chuyên số 1 Việt Nam thế kỷ XX” (Tạ Đức 2013:13) có nói đến sự kháng cự
quyết liệt của người Thái với người H’mông khi buổi đầu người H’mông đến Việt Nam
cách đây khoảng hơn 200 năm (Bình Nguyên Lộc 1971: 296). Các nhà nghiên cứu H’mông
Trần Hữu Sơn và Giàng Seo Gà đều cho biết người H’mông đến Lào Cai cách đây khoảng
hơn 200 năm (Trần Hữu Sơn 1996: 10) (Giàng Seo Gà 2004: 11). Nhóm Cư Hòa Vần -
Hoàng Nam cũng chủ trương người H’mông vào Việt Nam qua ba đợt thiên di: đợt đầu,
cách đây khoảng 14, 15 đời, khoảng 80 gia đình H’mông họ Vù, họ Giàng từ Quí Châu
thiên di đến Đồng Văn; đợt hai, cách đây khoảng 9, 10 đời, đi theo hai đường, một đến
Đồng Văn chừng 100 hộ thuộc các họ Vàng, Lí, và đến Simacai chừng 80 hộ gồm các họ
Vàng, Lù, Chấu, Sùng, Vù, Mùa, một số, sau di chuyển đến Tây Bắc; đợt ba, đông hơn cả,
theo các đường vào Hà Giang, Lào Cai và Tây Bắc. Cư Hòa Vần - Hoàng Nam cho biết
thêm, dù sao, đến nay vẫn chưa đủ cứ liệu để nói rằng trước đó đã có cư dân H’mông sống
trên núi cao hay chưa (1994: 16-17). Các giả thuyết này cũng khá tương đồng với giả
thuyết của Vương Duy Quang về ba đợt di dân người H’mông từ Trung Quốc vào Việt
Nam: 1/ cách đây khoảng 350 năm trước, người H’mông từ Quí Châu xuống Vân Nam vào
Mèo Vạc, Đồng Văn - Hà Giang. 2/ cách đây trên 200 năm, là đợt di cư lớn nhất, theo hai
hướng; một hướng vào Đồng Văn rồi các huyện khác ở Hà Giang và Cao Bằng, một hướng
qua Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu. 3/ cách đây chừng 150 năm, người H’mông đến Lai Châu,
Lào Cai, Sơn La. Nhà nghiên cứu dòng dõi “vua Mèo” - Vương Duy Quang cho biết, ông
đúc rút những ý kiến trên từ kết luận của mình qua quá trình thực địa lâu dài, đồng thời, căn
cứ vào tư liệu của Viện Dân tộc học (Vương Duy Quang 2005: 27-29). Viện Dân tộc học,
trong công trình Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía bắc), một công trình có thể
nói mang tính chất chuẩn định, là kiến thức nền cho ngành dân tộc học trong một thời gian
khá lâu dài, phần người H’mông (Mèo) được Bế Viết Đẳng viết cho biết: “Những đợt di cư
đầu tiên của người Mèo cách đây trên 300 năm đến các vùng biên giới thuộc các tỉnh Hà
Tuyên, Hoàng Liên Sơn. Sau đó các luồng di cư kéo dài mãi đến ngày Trung Quốc hoàn
toàn giải phóng năm 1950, trong đó có hai đợt di cư lớn vào khoảng hơn 200 năm và 100