xuôi gió và, sau khi sinh đứa con trai được mấy năm, ông đã có được một
cơ ngơi nho nhỏ.
Và chính khi đó, trong ông đã nảy sinh ý nghĩ khiến ông trở thành người
lừng tiếng khắp cả Scotland. Giống như dòng họ Glenarvan và một vài
dòng họ Scotland danh tiếng khác, trong thâm tâm, ông không chấp nhận
chính quyền của nước Anh. Theo quan điểm của ông, thì những lợi ích của
tổ quốc ông không thể phù hợp với những lợi ích của người Anh, và ông đã
quyết định thành lập vùng di dân Scotland lớn trên một hòn đảo ở Thái
Bình Dương. Có thể là bằng cách nào đó ông đã tiết lộ những hy vọng thầm
kín của mình. Dẫu sao thì chính phủ Anh cũng đã từ chối việc giúp đỡ thực
hiện dự án của ông. Hơn thế nữa: chính phủ đã gây ra cho thuyền trưởng
Grant đủ mọi cản trở. Nhưng Harry Grant không chịu khuất phục: ông đã
kêu gọi lòng yêu nước của đồng bào ông, đã hy sinh tài sản của mình, bán
đi lấy tiền đóng chiếc tàu “Britania” và sau khi tuyển chọn một đoàn thuỷ
thủ tài giỏi, ông đã cùng họ đi nghiên cứu những hòn đảo lớn trên Thái
Bình Dương. Còn các con của mình, ông gửi lại cho người chị họ già trông
nam. Đó là vào năm 1861. Trong suốt một năm, cho đến tận tháng 5 năm
1862, ông vẫn thường xuyên có tin tức. Nhưng từ khi ông rời cảng Collao
tháng 6 năm 1862 thì không ai biết tin gì về tàu “Britania” nữa. Cả tờ
“Gazette Maritime” (báo Hàng Hải) cũng im hơi lặng tiếng về số phận của
thuyền trưởng Grant.
Người chị họ già của Harry Grant đột ngột qua đời, thế là các con ông sống
trơ trọi bơ vơ. Mary Grant mới 14 tuổi đầu, nhưng đã là cô bé dũng cảm. Bị
lâm vào tình trạng vất vả như vậy, cô không ngã lòng, vẫn toàn tâm, toàn ý
nuôi nấng, dạy dỗ đứa em trai đang còn hoàn toàn trẻ con. Cô bé biết lo xa,
thận trọng, tiết kiệm, suốt ngày đêm quên mình làm việc vì em, giáo dục
em và kiên trì đảm nhận phận sự của người mẹ.
Hai đứa nhỏ đã sống ở Dundee, quyết tâm vật lộn với thiếu thốn. Mary chỉ
nghĩ đến em trai và ước mơ tương lai hạnh phúc cho em. Cô bé tội nghiệp