hiểm nhất. Khi đoàn thuỷ thủ “Duncan” được biết hướng đi, mọi người đã
không sao kiềm nổi niềm vui sướng và reo lên hoan hô vang dội cả vách
núi Dumbarton.
John Mangles trong khi miệt mài lo việc bốc nhiên liệu và lương thực lên
tàu “Duncan” đã không quên việc cần phải bố trí phòng ở cho vợ chồng
huân tước trong chuyến đi xa này. Đồng thời, anh cũng phải chuẩn bị
phòng cho các con của thuyền trưởng Grant – vì huân tước phu nhân
Helena không thể không chiều theo yêu cầu của Mary cho cô được đi theo
tàu “Duncan”. Còn Robert, tất nhiên, thà trốn lẹ xuống hầm tàu còn hơn
phải ở lại trên bờ. Chú tình nguyện đi tàu “Duncan” làm thuỷ thủ thiếu
niên, giống như Nelson và Franklin hồi nào. Ai nỡ lòng từ chối một chú bé
như vậy! Thậm chí người ta cũng không có ý đồ ấy. Đành phải chấp nhận
cả việc coi như chú không phải như một hành khách, mà là một thành viên
của đoàn thám hiểm. John Mangles đã được giao việc dạy nghề đi biển cho
chú.
- Tuyệt quá! - Robert tuyên bố - Xin thuyền trưởng đừng thương xót
cháu và cứ cho ăn roi, nếu cháu làm điều gì đó không phải.
- Hãy yên tâm về cái khoản đó, chú bé của tôi ạ. – Glenarvan nghiêm
giọng nói.
Để bổ sung danh sách hành khách của tàu, còn phải kể đến thiếu tá Mac
Nabbs. Đó là một người tuổi chừng 50. Với nét mặt cân đối, trầm tĩnh, hiền
hoà và độ lượng, Mac Nabbs bao giờ cũng chấp hành đúng mệnh lệnh, luôn
luôn đồng tình với mọi người trong mọi việc. Ông không bao giờ tranh luận
về một việc gì, không cãi lộn với ai, không bao giờ mất bình tĩnh. Ông leo
lên thành hầm bị phá sập cũng bình tĩnh như leo cầu thang lên phòng ngủ
của mình vậy. Không có cái gì, thậm chí bom nổ cũng không thể làm cho
ông lo âu hoặc đi trệch khỏi đường hướng của ông, và hẳn là chờ đến khi
nhắm mắt xuôi tay ông cũng không một lần tức giận. Mac Nabbs không
những là một chiến binh dũng cảm, một người có thể lực cường tráng, mà ở
ông còn có phẩm chất quý giá hơn nữa, ấy là lòng nhân đạo – đó cũng
chính là sức mạnh tinh thần của ông. Điểm yếu duy nhất của ông: ông là