“Đường này, đường này.”
Được lũ trẻ dẫn đường, chúng tôi xuống xe buýt, đi lên con dốc
dẫn tới ga tàu hỏa leo núi. Bọn trẻ bước đi thoăn thoắt nên tôi sớm bị
bỏ lại sau cùng, mệt bở hơi tai. Cô Momoko ngoái lại nhìn tôi trêu
chọc: “Kìa Takako, khi nào xuống tàu mới thực sự phải leo núi cơ, giờ
cháu đã mệt rồi thì biết làm sao.” Bọn nhóc thì ha ha cười nói: “Trời
ơi, chị kém quá đi. Đúng là dân thành phố,” rồi cùng cười phá lên.
“Chị là dân nông thôn Kyushu đấy chứ.” Tôi định cãi vọng từ
cuối lên, song mọi người chẳng ai chú ý mà cứ phăm phăm tiến lên
phía trước. Sao cô Momoko khỏe thế nhỉ. Tuổi tác chúng tôi cách biệt
tới mức bị nhầm là mẹ con cơ đấy. Tôi thầm hối hận vì không ăn mặc
gọn nhẹ hơn.
Cuối cùng cũng tới được ga tàu hỏa leo núi, cô Momoko liền đi
tới quầy bán đồ đặc sản mua cho tôi chai trà xanh. Tôi cảm kích nhận
lấy rồi uống ừng ực.
Men theo dòng chảy của con suối trong vắt, đoàn tàu hỏa leo núi chạy
lên, đi tận tới khi đỉnh núi hiện ngay trước mặt. Sau khi vẫy tay tạm
biệt bọn trẻ, chúng tôi lại nặng nhọc bước tiếp. Khi đã lên tới độ cao
một nghìn mét so với mực nước biển, tôi chẳng thể tin nổi mới một
tiếng trước thôi mình còn đang ở chân núi.
Ven con đường nhỏ dẫn lên đỉnh núi, các biển hướng dẫn hay
quảng cáo nhà nghỉ xếp thành hàng dài. Nhà nghỉ chúng tôi sẽ ghé lại
nằm tận trong cùng, sẽ mất bốn mươi phút đấy, cô Momoko nói nhẹ
như không. “Trời...” tôi buột miệng bất bình. “Nhưng phong cảnh ở đó
là đẹp nhất đấy,” cô véo má tôi.
Đường dốc và cầu thang cứ nối tiếp nhau. Lẻ tẻ vài cửa hiệu nhỏ
hay chòi nghỉ chân, còn lại toàn là nhà dân và nhà nghỉ. Những người
đang từ đỉnh núi đi xuống đều vui vẻ nói “Xin chào” khi ngang qua
chúng tôi. Mỗi khi ấy tôi và cô Momoko cũng nói “Xin chào” đầy hào
hứng. Tuy phần lớn là người già, nhưng cũng có những cặp đôi trẻ