“À, nhà ta chủ yếu bán tác phẩm của những nhà văn Nhật Bản
thời cận đại. Đây, cháu xem.”
Bị cậu giục, tôi thử lướt mắt qua hàng gáy sách. Có những tác giả
mà tôi biết: Akutagawa Ryuunosuke, Natsume Souseki, Mori Ogai...,
nhưng phần lớn là những cái tên chưa nghe bao giờ. Nói là những tác
giả tôi biết, nhưng cũng chỉ ở mức từng học qua ở trường cấp ba mà
thôi.
“Giỏi thật, sưu tầm được nhiều tác giả thế này.” Tôi nói.
Nghe vậy cậu liền cười.
“Hiệu sách trong khu này đều chuyên về một lĩnh vực nào đó như
vậy cả. Có chỗ chuyên về sách khoa học, có chỗ lại chỉ toàn kịch bản
phim. Có chỗ mới chuyển sang bán mấy thứ như ảnh, bưu thiếp cũ cơ.
Khu này là phố sách cũ lớn nhất thế giới đấy.”
“Nhất thế giới ư?”
“Đúng rồi. Dù gì thì từ thời Meiji
chỗ này cũng đã được coi là
trung tâm văn hóa, rất nhiều văn nhân mặc khách lui tới cơ mà. Bởi
thế mà hồi đó, ở khu này hiệu sách, trường học dựng lên rất nhiều,
mấy tiệm sách khoa học mọc lên như nấm.”
“Từ xưa đã vậy rồi ạ?”
“Ờ, trên con phố này truyền thống ấy vẫn còn tiếp tục tới tận bây
giờ đấy. Mấy nhà văn như Mori Ogai hay Tanizaki Junichiro còn từng
lấy đây làm bối cảnh sáng tác tiểu thuyết nữa cơ. Bây giờ khách du
lịch nước ngoài cũng đến đây nhiều lắm.”
Cậu kể với vẻ tự hào như đang nói về chính mình vậy.
“Cháu sống ở Tokyo mà chẳng biết tí gì những chuyện ấy.” Tôi
thật thà cảm thán. Hơn thế nữa, tôi thực sự ấn tượng với cậu. Tôi chỉ
hỏi một câu mà cậu giải thích cặn kẽ đến thế. Vốn cứ nghĩ cậu chỉ là
kẻ lông bông chẳng chịu tìm việc làm, vậy mà hóa ra cậu lại hiểu biết
không ít. Tôi chợt nhớ ra. Trong căn phòng của cậu nơi tôi ghé chơi